Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Kiềm chế tính ghen tỵ của trẻ


Từ 5 đến 6 tuổi, bé thường hay ghen tỵ. Đó là dấu hiệu của sự lo lắng, thiếu tự tin.

Đây là giai đoạn bé nhận thức về "quyền bình đẳng". Vì vậy, bé hay nghĩ rằng mình đang bị đối xử kém công bằng với chính anh, chị hoặc em.

Ảnh: Sưu tầm

Giúp bé hạn chế ghen tỵ
Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích dành cho bạn:
Đừng khiến bé cảm thấy tội lỗi vì ghen tỵ với các bạn khác: Những nhận xét của người lớn kiểu như: "Con nên xấu hổ khi ghen tỵ với em trai", "Không nên ghen tỵ với bạn như thế"... chỉ khiến bé che giấu cảm xúc thật của mình.

Hãy cho bé biết bạn rất hiểu cảm giác ghen tỵ với người khác. Sẽ chẳng có gì xấu khi bạn thừa nhận với bé đôi lúc bạn cũng có cảm giác ấy.

Nhưng phải nhớ nói thêm với bé rằng bạn không bao giờ để cảm giác này tồn tại lâu. Điều đó sẽ làm hỏng niềm vui cả chính mình. Khi con bạn hiểu ra, cảm giác ghen tỵ trong lòng bé sẽ được xoa dịu.

Khuyến khích bé nói ra sự ghen tỵ của mình: bày tỏ cảm xúc giúp bé thấy nhẹ nhõm hơn.

Khi bé nhận ra rằng có thể chia sẻ cảm xúc với bạn, sự ghen tỵ sẽ mất dần. Chắc chắn điều đó tốt hơn việc khuyến khích bé che giấu chúng.

Nếu phớt lờ tính ghen tỵ này của con, bạn không thể giúp bé từ bỏ tính xấu này.

Hãy tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa khiến bé ghen tỵ: Khi con bộc lộ tính xấu với đứa trẻ khác, bạn hãy nói chuyện với bé về những gì nó cảm thấy. Hãy giúp con giải tỏa những bức xúc trong lòng, giải thích vì sao bé không nên hành động như thế.

Bé rất cần bạn giúp đỡ kiểm soát cảm xúc của mình.
Hãy nhớ sự ghen tỵ là dấu hiệu cho sự lo lắng thái quá của một đứa trẻ: Khi bé bộc lộ tính ghen tỵ thường xuyên trong ngày, đó là dấu hiệu cho thấy bé thiếu tự tin về bản thân: Bé lo lắng cho quyền lợi của mình.

Công bằng không phải là giải pháp tốt
Các bậc cha mẹ thường nghĩ cách tốt nhất để tránh sự ghen tỵ giữa con cái trong nhà là phải đối xử với các bé như nhau. Thực ra, đây là một suy nghĩ sai lầm và không hiệu quả. Đôi khi, nó còn là nguyên nhân dẫn đến việc bộc lộ tính ghen tỵ của bé.

Chẳng hạn bạn có thể muốn mua đồ chơi cho các con nhưng điều đó đồng nghĩa là một đứa sẽ nhận được thứ mà thật sự không cần hoặc không muốn.

Phương pháp nuôi dạy con như thế là không quan tâm đến sở thích của con và sẽ không phát huy được cá tính của mỗi bé.

Con bạn phải học cách nhận thức rằng luôn có sự khác nhau giữa mỗi cá nhân. Nếu bạn không quan tâm, tránh né hoặc thỏa mãn tính ghen tỵ của bé mọi lúc, chúng sẽ không bao giờ biết cách kiểm soát cảm xúc cũng như phát triển cá tính tốt.

Theo Bibi.vn