Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Khi người lớn đùa dai


Trong lúc ngồi chơi, ngoại hỏi bé thương ai nhiều hơn, mẹ hay ngoại? Bé nhìn qua lại giữa hai người, coi bộ khó trả lời rồi ngập ngừng chỉ... mẹ.

Ngoại giả bộ làm mặt giận, bảo nếu vậy, mai mốt ngoại không đón bé đi học về nữa, ngoại sẽ không nấu cơm cho bé ăn, pha nước cam cho bé uống, cho bé đói bụng luôn... Nghe ngoại làm một hơi, bé òa khóc nức nở. Thấy ngoại lỡ lời, mẹ ôm bé vào lòng dỗ dành rằng ngoại chỉ giỡn thôi, rằng ngoại thương bé nhất nhà. Nhưng bé vẫn sợ mai mốt học xong bé bị bỏ lại trường, bé sợ bị bỏ đói khi mẹ chưa đi làm về...

Hôm khác, cô Vân hàng xóm qua chơi, thấy bé cứ khóc nhè đòi mẹ cho chơi game nên trêu: "Con hư là ba con có người khác, không thương con nữa đâu!". Bé tròn mắt hỏi cô: "Có người khác là sao?". Thấy câu dọa của mình "ép-phê", cô Vân làm tới: "Là ba con có vợ khác, có em bé khác nên thương em bé đó, không thương con nữa chứ sao!". Nghe tới đó, bé òa khóc, cô Vân dỗ mãi vẫn không nín, vừa may lúc ấy ba bé đi làm về. Thấy bé khóc, ba hỏi lý do, rồi bật cười, giải thích là cô Vân chỉ đùa thôi, bé mới chịu nín, nhưng cứ nhìn ba lom lom, xem có thật là ba chỉ thương bé không.

Dưới sáu tuổi, đa số trẻ con chưa có khả năng phân tích cũng như sự phân biệt phải - trái, đúng - sai một cách chính xác. Tuy nhiên chúng lại nhớ rất dai và nhớ đến từng chi tiết. Vì vậy, nếu không khéo lựa lời hoặc không biết kiềm chế, cân nhắc khi nói đùa, người lớn dễ để lại trong tâm trí non nớt của trẻ những ấn tượng không hay, lâu ngày trở thành những vết hằn sâu trong tâm hồn trẻ. Nguy hiểm hơn, nếu những lời nói đùa đó ảnh hưởng đến cả người lớn. Việc nói đùa như thế, nếu xảy ra nhiều lần còn có tác dụng ngược: sau này nếu có nói thật, trẻ cũng không tin, người nói đùa cũng khó tạo được lòng tin ở trẻ.

Theo Phunuonline