Giáo dục chuyên biệt - can thiệp sớm, cần thiết cho trẻ tự kỷ
(CAO) Trong đời sống hàng ngày ở cộng đồng dân cư, có một số trẻ em sinh ra không bình thường về trí tuệ và thể chất, được biểu hiện như: chậm biết nói, chậm nhận biết, không giao tiếp mắt, hành vi rập khuôn, hoặc có cử chỉ không bình thường.....gọi chung là tự kỷ. Nhiều người không biết cho rằng đó là bệnh tâm thần và có thái độ mặc cảm xa lánh. Có phụ huynh không giám nhìn nhận sự thật, giấu không muốn cho người khác biết, không cho con giao tiếp với xã hội, đây là một sai lầm rất đáng tiếc
Những trẻ em bị thiểu năng trí tuệ - tự kỷ nếu được giáo dục sớm theo phương pháp đặc biệt, gọi là " Giáo dục chuyên biệt và can thiệp sớm" thì các cháu vẫn hoà nhập với cộng đồng. Giáo dục chuyên biệt là hình thức giáo dục đặc biệt theo phương pháp sư phạm riêng dành cho trẻ khuyết tật. Can thiệp sớm là những hướng dẫn mang tính giáo dục cho trẻ khuyết tật và gia đình trẻ, được chia thành 2 giai đoạn: từ 0 đến 3 tuổi, và từ 3 đến 6 tuổi. Mục đích là hỗ trợ và nâng cao khả năng và đáp ứng những nhu cầu của trẻ, giúp trẻ đạt tới khả năng và năng lực tốt nhất của trẻ khuyết tật. Làm cho đứa trẻ sớm hoà nhập cộng đồng. Vì vậy, ở Việt Nam đã có 8 Trường Sư phạm có khoa "chuyên biệt" đào tạo giáo viên dạy số trẻ nói trên.
Để tìm hiểu thực tế, chúng tôi đến Cơ sở Mầm non chuyên biệt "TUỆ PHƯỚC", tại 21 đường Cửu Long, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang. Được thành lập theo Quyết định số 127.QĐ- UBND của Uỷ ban nhân dân phường Phước Hoà. Tuy Cơ sở mới thành lập và đi vào hoạt động từ đầu tháng 6.2009, nhưng hoạt động có bài bản. Vì thầy cô giáo của Trung tâm đều được đào tạo khoa khoa Giáo dục đặc biệt.
Bà Lê Thị Phụng phụ trách Cơ sở Mầm non chuyên biệt "TUỆ PHƯỚC" dẫn chúng tôi đến thăm từng phòng học, nơi các cháu vui chơi, phương tiện đồ dùng dạy học. Điều cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là ngăn nắp, sạch sẽ, có tính chuyên môn nghiệp vụ sư phạm dành cho trẻ thiểu năng trí tuệ. Cơ sở có 6 thầy cô giáo đều có trình độ Đại học và Cao đẳng khoa Giáo dục đặc biệt, do thầy Trần Thanh Toàn, tốt nghiệp Đại học sư phạm Quy Nhơn làm Hiệu trưởng. Bước đầu Cơ sở đã nhận 6 cháu học bán trú, 15 cháu học theo giờ.
Thầy Trần Thanh Toàn cho chúng tôi coi hồ sơ công tác giáo dục lưu tại Cơ sở Mầm non. Ngoài kế hoạch chung, mỗi cháu có cách giáo dục cá nhân riêng, giáo án cụ thể và đề ra các mục tiêu dài hạn, ngắn hạn phải thực hiện được trong thời gian nhất định. Vì mỗi cháu có một khả năng, nhu cầu khác nhau, nên chương trình không giống nhau. Giữa Cơ sở Mầm non và phụ huynh quan hệ qua số liên lạc, phụ huynh được giám sát việc giáo dục các cháu tại lớp, và qua nhật ký can thiệp sớm.
Việc giáo dục các cháu thiểu năng trí tuệ rất cần có sự phối hợp giữa "nhà trường, gia đình, xã hội", nhưng quan trọng nhất là quan hệ giữa nhà trường và gia đình. Thầy Toàn cho biết: Mối quan hệ này giống như chiếc xe đạp đôi, nếu cả hai người cùng đạp thì chiếc xe chạy nhanh hơn, nếu một người đạp thì xe chạy chậm. Tức là nếu gia đình phối hợp tốt với nhà trường thì việc giáo dục các cháu kết quả nhanh hơn
Chúng tôi gặp bà Marianne Simpson - Chuyên gia tư vấn về can thiệp sớm và giáo dục chuyên biệt- đang làm việc tại Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương Nha Trang, hiện làm tư vấn cho Trung tâm "Tuệ Phước". Với kinh nghiệm 25 năm làm việc trên lĩnh vực này ở nhiều nước trên Thế giới cho biết:
" Tôi rất mừng vì Cơ sở Mầm non Tuệ Phước thành lập và nhanh chóng đi vào hoạt động, không chỉ các cháu bị bệnh thiểu năng trí tuệ và tự kỷ có cơ hội được giáo dục để sớm hoà nhập cộng đồng, các thầy cô giáo được đào tạo khoa chuyên biệt thêm cơ hội có việc làm. Tuy nhiên, việc giáo dục những trẻ em bị bệnh này rất khó khăn, đòi hỏi giáo viên phải có tâm huyết và lòng thương yêu trẻ. Mặt khác cần sự quan tâm của các bậc phụ huynh và của toàn xã hội thì công việc giáo dục mới kết quả".
Phụ huynh Nguyễn Thuý Hồng, ở số 8 đường Phước Long, thành phố Nha Trang có con là Dương Đình Anh Tuấn, sinh 2005 bị tăng động (mất tập trung chú ý). Thường ném đồ đạc, nghịch phá tự do; Phụ huynh Giang Công Lý ở Hòn Rớ, Pước đồng, Nha Trang có con là Giang Công Anh sinh 2004 bị tự kỷ, chậm biết nói...Sau thời gian ngắn đến lớp được các thầy cô dạy, có chuyển biến rõ rệt, nên phụ huynh vừa mừng vừa cảm động.
Thiết nghĩ, Giáo dục chuyên biệt - can thiệp sớm là sự nghiệp trồng người, nhưng là những trẻ không bình thường về trí tuệ và thể chất. Nên hoạt động này mang tính nhân văn và nhân đạo rất sâu sắc. Các thầy cô giáo hơn ai hết thấu hiểu nỗi đau và nỗi khổ của các cháu cũng như phu huynh. Từ đó, tận tâm dạy dỗ, uốn nắn từng bước đi, tiếng nói...để các cháu sớm hoà nhập cộng đồng. Tuy vậy, không phải tất cả các cháu bị thiểu năng trí tuệ - tự kỷ đều có cơ hội đến lớp, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Điều này đòi hỏi hoạt động này phải được xã hội hoá, nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức Trường lớp giáo dục làm sao để mọi cháu bị bệnh thiểu năng trí tuệ - tự kỷ đều được can thiệp sớm. Để các cháu sớm hòa nhập cộng đồng.
Theo Hoàng Lập - congan.com