Bài 9: Những phương cách chữa trị (tiếp theo) Bài 9: Những phương cách chữa trị (tiếp theo) Ngay sau khi đứa trẻ được khảo sát, thử nghiệm và chẩn đoán chứng ASD, cha mẹ nên bắt đầu việc trị liệu. Càng chờ đợi lâu, những thói quen không được chấp nhận càng khó thay đổi. Cha mẹ cần chú trọng đến những chương trình huấn luyện thiên về cách diễn tả ý tưởng, cách giao tiếp với người chung quanh. Về vấn đề này, ở mỗi giai đoạn khác nhau, trẻ thường có khả năng diễn đạt ý tưởng và nhu cầu giao tiếp khác nhau. Chính vì vậy, cha mẹ cần có những can thiệp và trợ giúp trẻ phù hợp với từng giai đoạn lứa tuổi của trẻ. Cho trẻ dưới 3 tuổi: Việc trị liệu diễn tiến tại nhà và nơi giữ trẻ. Chương trình huấn luyện chú trọng đến những khiếm khuyết của sự phát triển tâm trí như ngôn ngữ, cách thu nhận và sử dụng tin tức, cách bắt chước, sự chú tâm, sự thích thú, và cách mở đầu việc giao tiếp. Cho trẻ trên 3 tuổi: Vào tuổi đến trường: Tiểu học, đứa trẻ cần được huấn luyện để bù đắp những khiếm khuyết trong sự phát triển tâm trí; cùng lúc với sự khích lệ để tiếp tục học hỏi phát triển về những phần tâm trí bình thường khác. Thí dụ, một đứa trẻ thích âm nhạc, chơi thuần thạo một vài thứ nhạc cụ; chương trình huấn luyện cần có phần âm nhạc để phát triển tiềm năng về âm nhạc của đứa trẻ này. Ngoài ra, đứa trẻ cần được chỉ dẫn, khích lệ trong việc giao tiếp, chơi chung trò chơi với những đứa trẻ bình thường khác. Với những đứa trẻ được xem như "có khả năng" (higher-functioning), đủ sức theo đuổi đường học vấn, chúng vẫn cần được giúp đỡ trong việc xếp đặt các việc làm hàng ngày theo một tổ chức có trật tự, tránh những thứ làm chúng xao lãng, chia trí. Ở bậc trung học: Chương trình huấn luyện cần bắt đầu với những phần thực dụng như công việc làm, sống chung với người khác trong một xã hội nhỏ, và giải trí. Đứa trẻ cần được chỉ dẫn cách làm một công việc nhất định (routine) nào đó, cách dùng phương tiện di chuyển công cộng như xe bus, và những việc làm giúp chúng có thể sống trong một tập thể như những nhà dành riêng cho người lớn (adult housing), nơi những người không sống chung với gia đình nhưng vì khuyết tật tâm thần nên được chính phủ giúp đỡ, tài trợ và cung cấp nơi ăn ở. Trong giai đoạn này, cha mẹ cũng cần tiếp tục tham dự một cách tích cực vào các chương trình huấn luyện của con em mình. Tuổi dậy thì: Tuổi dậy thì là thời gian chuyển tiếp giữa thời thơ ấu và tuổi trưởng thành, một giai đoạn khó khăn cho mọi đứa trẻ, kể cả những đứa trẻ bị ASD. Đứa trẻ cần được chỉ dẫn để hiểu biết và chấp nhận sự thay đổi trên cơ thể cũng như tâm thần. Một số hành động cử chỉ của đứa trẻ sẽ thay đổi, hành động xấu có thể bỏ bớt hoặc ngược lại. Riêng đứa trẻ với ASD, đa số trở nên đanh đá, "quá quắt" hoặc khó chịu hơn (aggressive, hostile) vì đây là cách chúng biểu lộ sự xáo trộn trong tâm thần. Khi đứa trẻ có hành động phá phách, thù nghịch; người chung quanh sẽ xa lánh và bỏ mặc; sự đơn độc là điều những đứa trẻ với ASD chọn lựa vì chúng không thể hoặc không biết cách giao tiếp với thế giới bên ngoài. Tuổi dậy thì cũng là giai đoạn đứa trẻ trở nên nhạy cảm với xã hội chung quanh, cần bạn bè, cần sự ủng hộ, yêu thích của bạn bè. bình thường, đứa trẻ chú trọng đến bề ngoài, từ mấy cái mụn trên mặt đến cách ăn mặc, bạn bè, tình cảm trai gái (puppy love) pha trộn giữa sự ngây thơ, thiếu kinh nghiệm sống đến sự quá khích của ý tự quyết (làm theo ý muốn bất kể hậu quả hay lời khuyên răn của phụ huynh, thầy cô). Lứa tuổi mà cha mẹ cần sự hiểu biết và cảm thông để có thể hướng dẫn con/em một cách hiệu quả. Đứa trẻ với ASD còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa, nó có thể nhận ra sự khác biệt giữa mình và người chung quanh, có thể biết rằng mình không có bạn; nhất là khác với bạn bè, nó không có dự định mơ mộng nào về tương lai, nghề nghiệp cũng như chuyện đôi lứa. Với một thiểu số, khi hiểu được sự khiếm khuyết, những đứa trẻ với ASD cố gắng thay đổi bằng cách học hỏi cách giao tiếp thích hợp hơn với đời sống xã hội chung quanh và đã có những đứa trẻ thành công trong việc chọn lựa công việc làm cũng như lập gia đình và sống tương đối bình thường. Trúc Giang.mamnon.com |