Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tìm hiểu cảm xúc của bé


Nếu một ngày bé trở về nhà với tâm trạng cáu kỉnh, đá mạnh chân vào cửa hoặc ngồi cô đơn một chỗ thì có thể, bé đang gặp rắc rối ở lớp mẫu giáo. Cha mẹ không nên bỏ qua hành vi tiêu cực của bé mà nên tìm hiểu xem 'vì sao bé cáu kỉnh', 'vì sao bé đá chân vào cửa nhà'... Lời giải đáp sẽ được sáng tỏ khi cha mẹ tìm cách chia sẻ cảm xúc cùng bé.

Cách này giúp bé giải tỏa tâm lý, biết cách nhận diện và đương đầu với cảm xúc tiêu cực; đồng thời, bé cũng tự tin và gần gũi với cha mẹ hơn.

Bắt đầu gợi chủ đề
Ngồi cạnh bé và đưa cho bé một câu hỏi mở: "Con đang giận gì à? Sao con không kể cho mẹ?" hoặc "Nhìn con thế này, mẹ đoán là có chuyện gì rồi phải không?".

Lắng nghe
Khi đã đưa cho bé vài câu hỏi chỉ đường, nhiệm vụ lúc này của cha mẹ là kiên nhẫn lắng nghe bé giải trình. Các bé chỉ cởi mở khi nhận thấy sự quan tâm và hứng thú từ cha mẹ với câu chuyện của mình. Vì thế, nên để cho bé nhiều thời gian và cơ hội được nói.

Nên nhớ rằng, bé cần có nhiều năm để xây dựng kinh nghiệm đương đầu và kiểm soát cảm xúc. Để xây dựng lòng tự tin và hướng bé đến cảm xúc tích cực, thay vì hỏi "Hôm nay con chơi những gì ở lớp", cha mẹ nên gợi ý: "Hôm nay con có chuyện gì vui, chuyện gì buồn?".

Nhận diện cảm xúc
Giúp bé gọi tên chính xác cảm xúc tiêu cực mà bé đang phải đối mặt: đó có thể là cô đơn, không được cha mẹ yêu, giận dữ, buồn chán hoặc ghen tỵ...

Cảm xúc tốt và xấu
Không tập trung vào những cảm giác tiêu cực; thay vào đó, nên thảo luận với bé nhiều hơn về cảm xúc tích cực. Hỏi xem ngoài chuyện bực mình, bé còn những chuyện gì vui vẻ khác. Lái cuộc trò chuyện sang những niềm vui để bé tạm thời quên đi cảm xúc tiêu cực khi nó đã được giải tỏa.

Theo mevabe.net