Yêu con như thế khác nào hại con? Thiếu kiến thức, kinh nghiệm hoặc do sai lầm từ quan niệm, họ đã cho con một nền tảng không hoàn chỉnh để phát triển. Kinh dị từ quan điểm giáo dục con Chị An vội đỡ con dậy, bố thằng bé cũng kịp có mặt để bảo vệ cậu quý tử nhà mình. Nếu không có mọi người đứng gần đấy chứng kiến và kể lại mọi chuyện chắc vợ chồng chị đã lôi con bé ra để "dạy dỗ" cho một trận ra trò. Chớ nên chiều trẻ một cách thái quá Hóa ra cu Bin giành lấy cây kem bạn đang ăn nhưng con bé không chịu. Bin đẩy bạn một cái và bị bạn đẩy lại, mất thăng bằng nên ngã xuống đất nằm ăn vạ. Biết được sự việc, vợ chồng chị An vẫn khăng khăng: "Nếu con bé chịu nhường cây kem cho thằng bé thì làm gì có chuyện". Có vẻ như họ xem chuyện con giành đồ của người khác là chuyện bình thường đến không thể bình thường hơn. Nhiều bậc phụ huynh thường bỏ qua mọi lỗi lầm của con cái, cho rằng chúng chỉ là trẻ con chưa biết gì. Suy nghĩ này thật nguy hiểm vì như vậy là họ đang dung túng và tiếp tay cho con trẻ đi sai đường. Không phải vô cớ mà người xưa có câu nói: "Dạy con từ thuở còn thơ". Trẻ cần được dạy dỗ và uốn nắn ngay từ bé, nếu không lớn lên dễ trở nên bất trị. Nếu bạn bỏ qua những lỗi lầm của trẻ khi ở nhà, ra ngoài đường chúng cũng sẽ cứ thế phát huy. Trường hợp bé Bin nhà chị An cũng vậy. Tuy là em nhưng ở nhà, thằng bé thường hay bắt nạt chị Bo. Mười lần như một, bé Bo luôn là kẻ tội đồ: Lớn mà không biết nhường nhịn đồ chơi, đồ ăn cho em, em có đánh cũng không được đánh lại... Lần nào con bé cũng bị bắt xin lỗi em với một lý do duy nhất: "Mau xin lỗi em đi, không nó khóc bây giờ". Thì ra vợ chồng chị An rất sợ để cho cu Bin khóc vì thằng bé khóc rất dai, càng khóc càng khó dỗ. Rõ ràng chính anh chị An đã gieo cho cu Bin ý nghĩ chị Bo lớn tuổi hơn còn phải nhường nhịn nó, tại sao con bé kia bằng tuổi nó lại không chịu nhường cây kem của mình cho nó. Điều đáng nói là đường lối giáo dục sai lầm của vợ chồng chị An không dừng lại ở đó. Chị Bình là bạn rất thân của chị An, cùng ngụ tại Q.4, TPHCM, nên họ thường rủ nhau đi mua sắm. Thế nhưng, chỉ sau vài lần đi siêu thị cùng với mẹ con Bin, chị Bình rất ngán ngẩm. Mỗi lần mẹ Bin rủ, chị đều thoái thác: "Mình bận việc rồi". Thật lòng, chị Bình rất muốn đi. Ngặt nỗi, nghĩ đến chuyện có cả Bin đi theo, chị lại mất cả hứng. Mỗi lần vào siêu thị, Bin rất thích thú với trò quơ hết những sản phẩm đang trưng bày trên kệ xuống. Lẽ ra khi thấy như vậy chị An phải mắng con, nhưng đằng này chị vừa cười vừa vỗ tay khen con giỏi. Có lần chị Bình còn chứng kiến mẹ Bin đưa cho nó vài món đồ để ném xuống đất. Hỏi tại sao lại để con làm vậy, chị An cười: "Thằng bé thích trò đó, cứ để nó chơi. Chẳng phải các nhà khoa học đã bảo phải để trẻ con tự do chơi đùa thì chúng mới phát triển còn gì". Nghe vậy, chị Bình chỉ còn biết lắc đầu. Tất cả bạn bè của vợ chồng chị An đều có thể liệt kê ra một danh sách khá dài về những điều không ổn ở thằng bé. Nhưng không ai dám góp ý vì chỉ mới bóng gió đã bị chị giận cả tháng trời. Ai cũng chép miệng: "Thằng bé rất sáng sủa, chỉ vì vợ chồng An không biết dạy mới thành ra thế này. Tội nghiệp nó!". Không chỉ có thế, có những ông bố, bà mẹ nuông chiều theo mọi yêu cầu của con cái một cách vô điều kiện khiến trẻ không biết trân trọng những gì mình đang có. Vô tình hay cố ý, nhiều bậc phụ huynh đã biến con mình thành những người coi trọng vật chất hơn tình thân. Bé Tí Nù, con anh Tín và chị Hoa, lớn lên trong nhung lụa. Mọi đòi hỏi yêu cầu của bé đều được bố mẹ đáp ứng ngay lập tức. Do đó, chẳng có gì khó hiểu khi bé lấy quà tặng ra làm thước đo tình thương của mọi người dành cho mình. Trong nhận thức non nớt của bé, ai tặng món quà có giá trị hơn chứng tỏ người đó thương mình nhiều hơn. Cũng chẳng thể trách con bé bởi vì đó là những điều nó rút ra được sau những lần nhận quà của bố, mẹ. Lần nào hí hửng nhận quà từ bố Tín, con bé cũng nghe câu: "quà của bố đắt hơn quà của mẹ, như vậy là bố thương con hơn mẹ đấy nhé". Khi nhận quà của mẹ con bé cũng nhận được câu tương tự. Nhiều lần, bé Tí Nù nằng nặc đòi bà ngoại đổi con búp bê vải do bà tự may lấy những món đồ chơi biết khóc, chớp mắt, biết bò... Nếu không được con bé khóc toáng lên, bảo rằng bà không thương nó. Mấy lần họ hàng ở nước ngoài về chơi, con bé chào câu trước câu sau đã đi thẳng vào vấn đề: "Quà của cháu đâu?". Thế nhưng, đừng tưởng có quà là đã xong "nghĩa vụ" với cô cháu nhỏ, phải đợi con bé "thẩm định" chất lượng món quà nữa. Nhiều lần, con bé làm người tặng chưng hửng khi vô tư phán: "Quà nước ngoài mà sao không bằng gì út mua ở Việt Nam?". Đến những kiểu chăm con kinh dị Sinh con đầu lòng, chị chẳng có chút kinh nghiệm chăm con. Ngoài tháng, thằng bé bị nổi mụn nước trong lưỡi, chị nghe lời hàng xóm, bắt ba con ốc bươu cho vào bát để lấy nhớt của chúng. Sau đó, chị chưng nước nhớt đó với đường phèn rồi rơ lưỡi cho con. Được hai hôm. Thàng bé không những không hết sưng lưỡi mà còn chuyển qua nóng sốt. May mà chồng chị phát hiện, đưa đi bệnh viên kịp thời nên không sao. Từ hôm con ốm, chị Hạnh càng chăm con kĩ hơn. Nghe mọi người nói trẻ con thân nhiệt thấp, sợ con lạnh, lúc nào chị cũng mặc cho bé bốn lớp quần áo. Chị đâu biết rằng, trẻ con mới sinh có khả năng tự điều hòa thân nhiệt. Việc mặc quá nhiều quần áo có thể khiến cho bé mệt, khó thở và tăng nguy cơ đột tử khi ngủ. Không có gì khó hiểu khi bé Tân, con chị, thường xuyên đỏ mặt, đổ mồ hôi và hay khóc vặt. Vô tình hại con Nuông chiều theo mọi yêu cầu của con cái một cách vô điều kiện khiến trẻ không biết trân trọng những gì mình đang có Cùng với sự cải thiện của chất lượng cuộc sống, các bậc phụ huynh có khuynh hướng chiều chuộng con cái hơn. Tuy nhiên, nhược điểm đáng ngại nhất của họ là không còn khả năng nói "không" với những đòi hỏi quá quắt của con. Do đó, họ đã vô tình tạo cho trẻ thói quen đòi hỏi quá mức, ích kỷ, chỉ biết bản thân mình. Trẻ con như tờ giấy trắng, sau này chúng có trở thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh, đẹp hay không phần lớn là do bố mẹ. Khi những nền tảng ban đầu bố mẹ để lại cho con bị méo mó, lệch lạc, làm sao chúng có thể trở thành người tốt? Nếu không được giáo dục lại, bé Bin lớn lên chắc chắn sẽ trở thành một người đàn ông thô lỗ, gia trưởng. Còn bé Tí Nù sẽ thành cô tiểu thư đỏng đảnh, luôn quy đổi mọi thứ ra giá trị mà mình quan tâm: Giá trị vật chất. Theo chuyên viên tư vấn tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý tình yêu hôn nhân và gia đình, thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam: "nuôi dạy con cái là trách nghiệm cũng như hạnh phúc của những người làm cha làm mẹ. Ai sinh con cũng mong muốn con mình sẽ ngoan ngoãn, giỏi giang, sau này thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên, việc nuôi dạy con thành người không đơn giản". "Xã hội càng phức tạp, việc nuôi dạy con nên người càng khó khăn hơn. Việc hình thành tính cách, thói quen và nhân cách tốt của một đứa trẻ từ lúc nhỏ tới khi trưởng thành cần sự hỗ trợ từ nhiều phía, nhưng trước hết phải là từ gia đình. Bởi vì đây là môi trường đầu tiên tham gia vào quá trình hình thành tính cách ở trẻ". "Không riêng gì những ông bố, bà mẹ thiếu kiến thức mà ngay cả những phụ huynh có trình độ văn hóa cao cũng áp dụng nhiều phương pháp "không giống ai" với con. Mọi sai lầm từ việc nuôi dạy con đều dẫn đến những hậu quả tai hại cho con trẻ về thể chất lẫn tinh thần". Yêu thương nhưng không chiều chuộng, nghiêm khắc nhưng không hà khắc là cách để đưa trẻ vào khuôn phép. Đừng bao giờ lập luận kiểu: "Trẻ con chưa hiểu chuyện, sau này nó lớn, hiểu biết hơn, dạy vẫn chưa muộn". Cũng đừng bao giờ cho rằng con mình luôn đúng mà phải biết phân tích, giúp bé nhận ra lỗi và biết nói xin lỗi. Ngoài ra, bản thân bố mẹ cũng phải xem xét lại quan điểm giáo dục con của mình. Lời góp ý của một người có thể không là gì, nhưng nếu tất cả mọi người đều nói giống nhau, chắc chắn phải có ý nghĩa nào đó. Cuối cùng, có lẽ bản thân những bậc phụ huynh cũng cần tham gia một khóa học làm bố, làm mẹ. Bởi vì khi thiếu kinh nghiệm và kiến thức, những bà mẹ như chị Hạnh chỉ biết áp dụng một cách máy móc những lời chỉ dẫn của người khác, hậu quả là những tác hại ảnh hưởng tới sự phát triển và tương lai của con. Theo Tiếp Thị Gia Đình |