Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mùa hè bị... “đánh cắp”


Ngày trước, nghỉ hè trong 3 tháng, học sinh rất vui thích vì không phải học. Nghỉ hè là chỉ để chơi, được về quê thăm ông bà, vào rừng, tắm biển, cắm trại, đá bóng, câu cá.

Đó là dịp rất thú vị vì các em được thay đổi không khí, khám phá thiên nhiên, hoà mình vào cuộc sống xã hội.

Đến ngày tựu trường, các em khỏe mạnh hiểu biết thực tế hơn, trải nghiệm nhiều xúc cảm, tình cảm khác nhau, tự tin và trưởng thành hơn.

Hãy dành cho một một kỳ nghỉ hè theo đúng nghĩa

Sau 3 tháng, các em thấy ngày khai trường thật ý nghĩa và hấp dẫn. Ngôi trường cũ thật đáng yêu, gặp lại thầy cô, bạn bè kể về kỳ nghỉ hè thú vị.

Hè nay đã khác. Hè không phải để vui chơi giải trí mà để học thêm, nhiều trẻ em thậm chí còn không có kỳ nghỉ hè. Học sinh có khi không thích mà sợ nghỉ hè.

Mùa hè nay phải định nghĩa lại: Đó là mùa để nhà trường dạy nốt cho học sinh những gì chưa kịp dạy trong năm cũ và học trước chương trình năm sau, đó là chưa kể các em còn được đầu tư để trở thành "thiên tài" toàn diện, "văn võ song toàn" với những lớp năng khiếu từ ngoại ngữ, vi tính, đến âm nhạc, hội hoạ, thể thao, võ thuật...

Có gia đình muốn con học hè là để đỡ phải quản lý. Học sinh kém học hè, học sinh giỏi cũng học hè.

Việc "nhồi nhét" quá tải gây ra cảm giác chán học, sợ học, thậm chí thù ghét việc học. Hậu quả là nhiều em sau nghỉ hè trông lại yếu ớt, xanh xao mệt mỏi vì học quá tải, không được nghỉ ngơi, vui chơi giải trí.

Liệu áp lực học tập có đem lại một "sản phẩm" giáo dục tốt? Điều này cần phải thẩm định lại, nhưng có một điều chắc chăn là áp lực ấy sẽ gây stress cho học sinh.

Số học sinh có vấn đề về sức khoẻ tâm thần đang ở tình trạng đáng lo ngại. Nguyên tắc của học sinh từ mẫu giáo đến hết tiểu học là "học mà chơi, chơi mà học" để các em nhận thức thế giới, hình thành thế giới quan, thế nhưng nhìn tổng quát vào chương trình giáo dục mẫu giáo 5 tuổi thì thấy khá nặng, bao gồm là các môn học: tạo hình, quan sát môi trường, cảm quan văn học, cảm quan chữ cái, hình thành các biểu tượng toán sơ đẳng...

Hầu hết thời gian của năm học, các em nhỏ chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường của lớp học, hiếm khi được ra ngoài để được vận động thoải mái, để tiếp xúc với môi trường thiên nhiên.

Trẻ mẫu giáo cũng được nghỉ hè 1 tháng, nhưng dường như đó là một kỳ nghỉ "vô bổ" đối với các cháu, vì nhiều gia đình rất "bí" thời gian, ít có điều kiện cho con đi nghỉ hè, về quê thăm ông bà để các cháu có dịp tương tác với thế giới tự nhiên. Và thế là các cháu lại tiếp tục bị gửi vào các lớp "học hè", hoặc gửi tạm ở các nhóm trẻ gia đình để bố mẹ yên tâm đi làm.

Theo các nhà tâm lý học thì ngoài việc học kiến thức, trẻ em rất cần được học cách sáng tạo, học cách nỗ lực và các kỹ năng sống để sau này trở thành con người toàn diện, độc lập và hữu ích cho gia đình, xã hội. Tất cả những điều này chủ yếu trẻ em học được từ bên ngoài nhà trường, thông qua sự trải nghiệm và những hoạt động tích cực.

Những kỳ nghỉ hè được tổ chức, sử dụng một cách thông minh, hữu ích, chính là cơ hội tuyệt vời để trẻ em được rèn luyện và phát triển thể lực, trí tuệ mà không một nhà trường nào có thể làm thay được. Bởi vậy, đừng vì bất cứ động cơ hay lý do nào mà người lớn, các bậc cha mẹ "đánh cắp" kỳ nghỉ hè của con mình.

Theo Phụ nữ Việt Nam