Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chọc dò ối


Chọc dò ối là một loại xét nghiệm chẩn đoán tình trạng dị tật ở bé, thường được thực hiện trong khoảng tuần thứ 15 đến 20 của thai kỳ. Xét nghiệm chọc dò ối luôn được tiến hành cùng với siêu âm thai.

Thủ thuật chọc dò ối được miêu tả như việc bác sĩ dùng một dụng cụ giống như cái kim dài, chọc vào bụng bầu, để lấy ra một chút nước ối mà không gây hại cho em bé. Chọc ối diễn ra nhanh chóng, đơn giản, thường không gây đau nên thai phụ cũng không cần phải được gây mê.

Mẫu nước ối này thường chứa tế bào, các dưỡng chất khác; đồng thời, thông qua mẫu ối, bác sĩ cũng có thể kiểm tra AND và nhiều thông tin khác về thai nhi. Sau khi làm xét nghiệm, các bác sĩ sẽ tiến hành phân tích mẫu ối và thai phụ có thể biết kết quả sau đó 1-3 tuần.

Chọc dò ối có thể chẩn đoán được những bất thường nhiễm sắc thể bào thai, như hội chứng Down, hội chứng Edward (gây các dị tật bẩm sinh ở bé như dị tật tim, đầu nhỏ, trí tuệ và vận động kém), dị tật ống thần kinh, rối loạn trao đổi chất, rối loạn máu (thiếu tế bào máu, chứng máu loãng, khó đông)...

Xét nghiệm nước ối có thể được tiến hành với tất cả phụ nữ mang thai nhưng thường phổ biến với những trường hợp sau:

- Các xét nghiệm và siêu âm trước đó nghi ngờ bé có nguy cơ mắc hội chứng Down.

- Thai phụ trên 35 tuổi và có bất thường ở gen.

- Thai phụ có tiền sử bất thường gen từ gia đình.

Nguy cơ gây sảy thai

Khoảng 1% (có thể ít hơn 1%) thai phụ bị sảy thai khi tiến hành xét nghiệm chọc dò ối. Để giảm thiểu tình trạng này, thai phụ nên nghỉ ngơi vài ngày sau khi thực hiện xét nghiệm.

Theo Mevabe