Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giải mã hành động khóc của trẻ


Trẻ có thể khóc bất cứ lúc nào, khi mới sinh, lúc đói... và có thể khóc 1-3 giờ mỗi ngày. Khóc là một trong những cách giao tiếp của trẻ sơ sinh. Đối với những ông bố, bà mẹ trẻ thì việc biết trẻ đang cần gì là khá khó khăn, họ thường lúng túng trong việc xác định lý do con khóc. Dưới đây là một số lý do khiến trẻ hay khóc:

Trẻ cần ăn: Đói là một trong những nguyên nhân chung khiến trẻ khóc. Trừ trường hợp 1-2 ngày đầu sau khi sinh, một vài trẻ ăn rất ít. Dạ dày trẻ khi này rất nhỏ, không thể chứa nhiều thức ăn. Vì thế khi trẻ khóc, hãy cho trẻ ăn một chút sữa bởi có lẽ trẻ đang đói. Nếu trẻ không ngừng khóc ngay lập tức, bạn vẫn nên để trẻ bú nếu bé muốn. Như thế sẽ từ từ làm dịu cơn đói. Nếu trẻ ăn xong mà bé vẫn khóc, bạn có thể xem xét đến những nguyên nhân tiếp theo đây.

Trẻ cảm thấy không thoải mái: Bé thường có sự phản kháng rất nhạy cảm nếu quần áo chặt hay tã lót bẩn làm khó chịu. Một số trẻ dường như không để tâm đến việc tã lót đã bẩn mà vẫn thấy thoải mái và ấm, trong khi đó có những trẻ sẽ khóc ngay lập tức để "gọi" cha mẹ thay tã, đặc biệt đối với những trẻ có làn da mềm mại rất dễ bị rát. Kiểm tra tã và thay tã có thể là điều trẻ đang cần.

Thấy quá nóng hay quá lạnh: Những trẻ mới sinh thường ghét cảm giác đóng tã bởi chúng chưa quen với không khí xung quanh và thích cảm giác được bao bọc ấm áp. Nếu bé thích như vậy bạn nên học cách thay đổi kiểu quấn tã mới, biết đâu bé sẽ cảm thấy thích thú hơn.

Bạn có thể kiểm tra xem trẻ nóng hay lạnh bằng việc dùng tay áp vào bụng bé. Đây là nơi giúp bạn xác định tốt nhất nhiệt độ của trẻ để biết con mình đang nóng hay lạnh. Trên thực tế nhiều người vẫn hay sờ tay và chân để xác định trẻ nóng hay lạnh nhưng các bác sĩ đã chỉ ra rằng cách đó không đem lại hiệu quả như mong muốn.

Muốn được bế: Nhiều trẻ thích có cảm giác được vuốt ve vì nó có cảm thấy an toàn. Lớn hơn chút nữa trẻ lại mong muốn nhận được sự ấm áp bằng việc nhìn thấy bạn đi lại trong phòng và nghe giọng nói của bạn. Chính vì vậy rất nhiều trẻ hay khóc vào ban đêm, một phần nguyên nhân chính là do trẻ muốn được bế.

Muốn ngủ: Rất dễ dàng để thấy rằng trẻ đang gắt ngủ đó là khi trẻ không muốn làm gì, không cần cái gì. Tuy nhiên nếu trẻ nhận được sự chú ý từ nhiều người, có thể là nhiều người đến chơi, sẽ có thể gây ra sự kích thích khiến trẻ không ngủ được. Chính vì vậy bạn hãy bế trẻ vào phòng yên tĩnh để tập trung vào giấc ngủ.

Trong người cảm thấy khó chịu: Nếu như cho ăn và đủ mọi cách trên mà trẻ vẫn không cảm thấy thoải mái hơn không ngừng khóc, bạn có thể tự hỏi là lẽ nào trẻ đang bị ốm hay đau ở đâu đó. Đối với những người lần đầu tiên làm bố mẹ sẽ rất khó có thể xác định lí do khóc của trẻ vì việc trẻ không bằng lòng hờn dỗi là rất tự nhiên. Nếu trẻ bị ốm, tiếng khóc của trẻ khi đó sẽ khác hơn so với bình thường. Tiếng khóc nghe khẩn khoản và âm lượng cao. Đây có thể coi là một trong những dấu hiệu giúp bạn nhận ra được trẻ đang ốm.

Theo aFamily