Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mỗi trẻ một cách học


Chỉ khi hiểu rõ các giai đoạn phát triển cũng như tính cách của con, bạn mới có thể giúp bé học tốt, nhất là với các môn ngoại ngữ.

Mỗi trẻ là một cá nhân độc lập và không giống với những trẻ khác. Phương pháp học tốt nhất dành cho trẻ em phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tuổi tác, cách học, tính nết. Chuyên gia giáo dục của Hội đồng Anh sẽ giúp bạn lựa chọn những hoạt động và phương thức học phù hợp nhất cho con.

Mỗi trẻ là một cá nhân độc lập và không giống với những trẻ khác

Các giai đoạn học tập
Trẻ sơ sinh nhìn thế giới thông qua việc phản ứng để ghi nhận bằng các giác quan.

Từ hai đến bảy tuổi, trẻ phát triển khả năng lập luận và suy nghĩ, nhưng vẫn cho mình là trung tâm.

Sau bảy tuổi, trẻ hiểu nhiều hơn về thế giới xung quanh. Đến năm mười hai tuổi, hầu hết trẻ đã có thẻ suy luận và kiểm nghiệm các ý nghĩ của mình về cuộc sống.

Như vậy, đối với trẻ nhỏ, chúng ta cần đưa ra các ví dụ mang tính cá nhân liên quan đến chính các em. Trong khi đó, trẻ lớn hơn cần được giúp đỡ để nhìn nhận về thế giới xung quanh.

Điều này cũng có nghĩa trẻ sẽ học được những kiến thức khác nhau ở những giai đoạn khác nhau. Cụ thể, trẻ nhỏ chỉ có khả năng tiếp nhận khái niệm về số, màu sắc và hình dạng chứ không phải những lý thuyết về các cấu trúc ngữ pháp.

Kiểu nào cho con bạn?
Việc tìm hiểu xem con bạn thích kiểu học nào rất quan trọng. Giác quan nào chi phối trẻ nhiều nhất? Bé có thích tranh và các bài đọc không? Nếu câu trả lời là có, bạn nên khuyến khích trẻ sử dụng tranh, ảnh, bản đồ và biểu đồ trong quá trình học.

Một số trẻ thích nghe giải thích và đọc to. Bạn có thể cho các bé đọc truyện để xây dựng và phát triển ý thức học tập. Bên cạnh đó, hầu hết trẻ đều thích học qua các bài hát, nhịp điệu.

Con bạn thích được sờ vào đồ vật và thường không chịu ngồi yên? Như vậy, bé thuộc nhóm thừa năng lượng cần được đốt chay. Bạn có thể cho bé chơi các trò chơi chuyển động hay chạy nhảy, đọc truyện, múa hát hoặc khiêu vũ.

Những trẻ trầm tính thường có vốn từ và khả năng đọc tốt. Các trò chơi ô chữ, tìm từ, đảo chữ, thi phát âm sẽ giúp khuyến khích các em học tốt hơn.

Một số trẻ thích được giải thích rõ ràng và logic các quy tắc, mẫu câu hoặc tự rút ra quy tắc cho riêng mình. Những bé này có thể học giỏi toán. Các hoạt động như chơi ô chữ, giải câu đố, giải quyết vấn đề, sắp xếp các vật theo thứ tự hoặc hạng mục hay các trò chơi trên máy tính sẽ giúp các bé học tốt hơn.

Những bé năng động và hoà đồng có thể học ngoại ngữ rất nhanh vì các em thích giao tiếp và không ngại mắc lỗi.

Những trẻ tầm tính và nội tâm học thông qua việc nghe và quan sát. Những trẻ này không thích mắc lỗi và thường chỉ nói hoặc làm khi đã chắc chắn.

Học theo nhóm sẽ tốt hơn cho các trẻ năng động. Với những bé trầm tính, bạn nên dành cho bé nhiều khoảng thời gian riêng tư, yêu tĩnh bằng nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như thông qua việc đọc một câu chuyện tiếng Anh trước giờ đi ngủ.

Làm gì để giúp con?


Hãy khuyến khích trẻ học theo cách chúng thích

Tạo động cơ học tập
Bé sẽ thích học khi việc học đem lại niềm vui và không căng thẳng. Hãy khuyến khích trẻ học theo cách chúng thích. Chẳng hạn: nếu yêu thích bóng đá, có thể bé sẽ thích đọc một câu chuyện về bóng đá ngay cả khi câu chuyện đó khó hơn trình độ của trẻ.

Giúp trẻ tham gia càng nhiều hoạt động học tiếng Anh vui nhộn càng tốt. Các bài hát, băng video, đặc biệt là các trò chơi trên máy tính sẽ thúc đẩy động cơ học tập của bé.

Giúp con tập trung
Trẻ thường chỉ tập trung trong một thời gian ngắn. Khi học cùng con, hãy dừng hoặc thay đổi hoạt động trong vài phút khi bạn nhận thấy con có vẻ chán hoặc muốn nghỉ.

Sửa lỗi cho con
Trẻ thích được khen ngợi và khuyến khích. Hãy cho bé biết khi chúng làm đúng, làm tốt. Đừng phê bình trẻ quá nhiều khi trẻ mắc lỗi. Việc mắc lỗi khi học ngoại ngữ là điều rất bình thường. Bạn không nên quá tập trung vào lỗi ngữ pháp. Hãy khuyến khích bé dùng tiếng Anh để giao tiếp.

Lặp đi lặp lại và tạo thói quen
Trẻ cần sử dụng ngôn ngữ thường xuyên để khiến cho nó "dính" vào bộ nhớ. Bạn nên cùng bé lặp lại các trò chơi hoặc dùng nhiều hoạt động khác nhau để minh hoạ cho một chủ đề hay một nhóm từ. Trẻ thích được lặp đi lặp lại một bài hát, câu chuyện vì nó tạo cho bé cảm giác tự tin, thân thuộc.

Việc tạo thói quen làm bài tập về nhà cũng rất quan trọng. Bạn có thể kiểm tra xem con phải làm bài tập gì và lên thời gian biểu cố định cho việc đó.

Theo Tin Tức