Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bảo vệ sức khỏe cho trẻ trong mùa mưa


Thực tế cho thấy một vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay là nhiều bà mẹ không hiểu rõ việc phòng ngừa bệnh tật cho trẻ, từ đó để các trẻ - do không được phòng bệnh đầy đủ - dễ dàng nhiễm bệnh, và một số do bệnh quá nặng, không được chữa trị kịp thời đã gây nên những hậu quả đáng tiếc. Mùa mưa - mùa sinh bệnh Mùa mưa là mùa sinh sản của muỗi và cũng là mùa phát triển của các siêu vi đường hô hấp, đường tiêu hóa. Có thể nói, trong mùa mưa các bệnh chủ yếu nhất hay gặp ở trẻ em là: bệnh sốt xuất huyết, các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp và các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Đây cũng là những bệnh dễ gây tử vong hơn cả. Trong các siêu vi đường hô hấp, hay gặp hơn cả là siêu vi INFLUENZAE, và APC (ADENO-PHARYNGO-CONJUNCTIVAL). Siêu vi INFLUENZAE gây bệnh cúm, còn gọi là bệnh cảm cúm. Siêu vi APC có thể gây bệnh ở 3 nơi: viêm hạch, viêm họng và viêm màng tiếp hợp (đau mắt đỏ), trong đó chủ yếu nhất, hay thấy nhất là viêm họng. Thật ra, cả cảm cúm và viêm họng đều dẫn tới các biến chứng hô hấp, chủ yếu là viêm phế quản và viêm phổi, gọi chung là nhiễm khuẩn đường hô hấp. Ngoài ra, mùa mưa cũng là mùa phát triển của các tác nhân gây bệnh đường tiêu hóa. Gây bệnh tiêu chảy chủ yếu là các vi khuẩn E.COLI, CAMPYLOBACTER và siêu vi ROTAVIRUS; gây kiết lỵ là các vi khuẩn SHIGELLA, ký sinh trùng AMIBE; cuối cùng, các vi khuẩn SALMONELLA, thủ phạm gây ra bệnh sốt thương hàn, cũng là một vi khuẩn thuộc đường tiêu hóa, luôn luôn gây bệnh trong mùa mưa. Các loại bệnh này (tiêu chảy, kiết lî, sốt thương hàn) được gọi chung là nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Phòng bệnh trong mùa mưa Sốt xuất huyết: là căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Trẻ đang ăn chơi bình thường, đột nhiên sốt rất cao, không có thuốc hạ nhiệt nào hay một loại kháng sinh nào có thể trị khỏi. Bệnh lại có thể gây xuất huyết ở nhiều nơi: nhẹ thì chảy máu cam, chảy máu răng, nặng thì nôn ói ra máu, tiêu tiểu ra máu, rồi xuất huyết dưới da...; nặng nữa thì bị một biến chứng gọi là sốc: trẻ trở nên lừ đừ, chân tay lạnh ngắt, mạch yếu hẳn hoặc không còn nữa. Và cứ thế, trẻ đi vào hôn mê rồi chết, nếu việc chữa trị để quá muộn. Tất cả tiến triển của bệnh chỉ diễn ra trong khoảng một tuần. Tuy nhiên, việc phòng bệnh lại hoàn toàn có thể thực hiện được. Chúng ta đã biết bệnh sốt xuất huyết là do một loại siêu vi gây nên. Siêu vi này được truyền vào người do một loại muỗi, gọi là muỗi vằn (AEDES AEGYPTI). Loại muỗi này có những vằn trắng ở thân và các chân, thường trú ngụ trong nhà, nhất là các nơi ẩm thấp, tối tăm: góc tường, mắc áo, gầm giường, gầm bàn, tủ... và dĩ nhiên, chúng phát triển mạnh trong mùa mưa, là mùa ẩm thấp. Do vậy, để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, điều cốt yếu nhất là chống muỗi, diệt muỗi. Hãy giữ cho nhà cửa được thoáng mát, khô ráo, quét dọn sạch sẽ mọi nơi, nhất là gầm bàn, gầm giường, tủ; không treo quần áo nhiều trên tường; đậy kín các lu chứa nước, không cho muỗi tới sinh nở ở đó, hoặc nuôi một số cá 7 màu để chúng diệt hết các con lăng quăng (bọ gậy), không để chúng phát triển thành muỗi. Khi trẻ em ngủ trưa, ngủ đêm đều phải nằm mùng. Các học sinh nhỏ học đêm cần mặc quần dài không để muỗi đốt và nên đốt nhang trừ muỗi dưới chân bàn học các em. Nếu có điều kiện, nên dùng bơm xịt muỗi hàng ngày. Nếu giữ cho trẻ không bị muỗi đốt thì chúng sẽ không bao giờ bị bệnh sốt xuất huyết cả. Còn nếu trẻ bỗng nhiên bị sốt cao thì nên cho trẻ đi bác sĩ khám bệnh ngay. Đôi khi vì thấy trẻ tuy sốt nhưng vẫn tỉnh táo, vẫn chơi, có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt tại nhà nhưng cần theo dõi cẩn thận. Nếu sau 2 ngày, trẻ vẫn sốt thì phải cho trẻ đi khám bệnh ngay, vì đó là thời gian có thể xảy ra các biến chứng của bệnh sốt xuất huyết. Thực tế đã có một số trẻ sốt mà vẫn khỏe mạnh, tỉnh táo, nhưng tới ngày thứ 3 hoặc ngày thứ 4 thì sốt rất nguy kịch. Muỗi còn là tác nhân gây nên bệnh sốt rét. Loại muỗi này mang tên ANOPHELES - cũng phát triển mạnh trong mùa mưa. Sốt rét cũng là một bệnh nguy hiểm. Thể sốt rét nặng - thường được gọi là sốt rét ác tính - đã nhiều lần gây tử vong nhất là đối với các trẻ nhỏ và phần lớn những ca sốt rét nặng thường xảy ra trong mùa mưa. Bệnh đường hô hấp: Triệu chứng của bệnh này là trẻ bị sổ mũi, nghẹt mũi, ho, có đàm, thở khò khè, có cháu thở rất khó. Nguyên nhân là do các siêu vi nói trên đã đột nhập vào mũi, họng của trẻ, rồi xuống phế quản, xuống phổi. Trong nhiều trường hợp, một số vi khuẩn khác cũng nhân cơ hội đó tấn công vào bộ máy hô hấp, làm cho bệnh nặng thêm, trong đó hay gặp nhất là vi khuẩn S.PNEUMONIAE và H.INFLUENZAE. Các siêu vi và vi khuẩn nói trên đều phát triển mạnh trong mùa mưa, trong thời tiết ẩm thấp, và rất dễ lây truyền. Khi một người đã nhiễm chúng mà hắt hơi (nhảy mũi), ho, khạc... thì các siêu vi, vi khuẩn nói trên sẽ từ họng người đó bắn ra ngoài, tan thành bụi, và người hít thở phải các bụi đó sẽ nhiễm bệnh nhanh chóng. Để phòng ngừa các chứng nhiễm khuẩn hô hấp nói trên, cần lưu ý không cho trẻ đi chơi dưới trời mưa, đi chơi tới khuya; những ngày thời tiết trở lạnh, nhất thiết nên cho trẻ tắm bằng nước nóng. Ngoài ra, nếu trong nhà hoặc gần nhà có người ho thì không cho trẻ lại gần. Nếu trẻ đã bị ho, bị sổ mũi, cần cho trẻ đi khám bệnh ngay, nhất là đối với các trẻ dưới 5 tuổi, vì ở tuổi này, bệnh có thể trở nặng rất nhanh chóng. Nhiều trường hợp trẻ chỉ bị ho, sổ mũi nhẹ, nhưng do chữa trị không đúng phương pháp, đã đột nhiên biến chứng thành suy hô hấp: khó thở, cánh mũi phập phồng, môi tím, người xanh tái... đó là một biến chứng hết sức nguy kịch, và không ít trẻ đã chết vì biến chứng này. Bệnh đường tiêu hóa: tiêu chảy, kiết lî, sốt thương hàn. Tiêu chảy là đi tiêu trên 4 lần trong ngày, phân ra nước. Nguy hiểm của bệnh tiêu chảy là gây ra cho trẻ tình trạng mất nước và mất một số chất điện giải - những chất này rất cần cho cơ thể - đào thải ra theo nước. Tình trạng mất nước này làm cơ thể suy sụp rất nhanh và có thể làm trẻ chết nhanh chóng, nếu không được chữa trị kịp thời. Kiết lỵ là đi tiêu nhiều lần trong ngày nhưng phân ít, kèm theo đàm, máu. Người bệnh thường bị đau bụng, mót rặn luôn luôn, vật vã, suy kiệt nhanh. Có những thể bệnh kiết lỵ được gọi là "kiết lỵ thể sấm sét" có thể làm cho trẻ chết ngay trong vòng 24 giờ. Sốt thương hàn cũng là một bệnh rất nguy hiểm: bệnh gây sốt liên miên, kéo dài nhiều ngày, dần dần làm cho trẻ trở nên lừ đừ, vật vã, và tiến tới hôn mê hoàn toàn... Một số trẻ đến chữa trị quá trễ cũng đã không thể cứu được. Tại sao các siêu vi, vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa lại phát triển trong mùa mưa? Vì mùa này cũng là mùa phát triển của muỗi nhặng, chính chúng đã mang các siêu vi, vi khuẩn nói trên từ các nơi dơ bẩn đi gieo rắc khắp nơi. Và cũng trong mùa mưa, tình trạng nước dâng cao tràn lan truyền đi các chất dơ bẩn mang theo nhiều tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, cũng trong mùa này, do thời tiết nóng nực, một số trẻ nhỏ đã không giữ được vệ sinh ăn uống: nhiều trẻ nhỏ đã bị các bệnh đường tiêu hóa nói trên chỉ sau 1 lần - do quá khát - đã uống "bừa", cả những nước không hợp vệ sinh, chưa được đun chín. Do vậy cần lưu ý giữ gìn vệ sinh ăn uống cho tốt. Chỉ nên cho trẻ ăn các thức ăn đã đun chín. Các thực phẩm cần được bảo quản chu đáo, tránh ôi thiu, tuyệt đối không để ruồi nhặng đậu vào. Trong nhà luôn để sẵn một vài chai nước đã đun chín, để khi trẻ khát có thể dùng ngay. Giáo dục trẻ rửa tay trước khi ăn. Khuyên trẻ không ăn uống bừa bãi ở dọc đường, ở các vỉa hè bụi bậm. Đây chính là những biện pháp đơn giản nhưng rất thực tế để phòng ngừa các bệnh đường tiêu hóa nói trên. Dĩ nhiên, vì các bệnh này đều nguy hiểm, nên cần cho trẻ đi khám bệnh ngay, nếu bệnh đã xảy ra. K.H (Từ tài liệu của BS Bùi Xuân Vĩnh)