Kỹ năng cầm, nắm ở bé dưới 1 tuổi Ngay từ lúc mới chào đời, bé đã hình thành phản xạ túm lấy đồ vật, nhất là khi bé nắm lấy ngón tay của mẹ. Chỉ cần bạn đặt ngón tay vào lòng bàn tay của bé, bé sẽ tự biết khum các ngón tay để giữ ngón tay của mẹ trong đó. Càng lớn, bé càng có khả năng phối hợp giữa nắm và giữ đồ vật trong tay. Kỹ năng nắm đồ vật qua các giai đoạn phát triển Khoảng 3 tháng tuổi, hành động chạm và túm lấy đồ vật là một trong những thú vui của bé. Bé vẫn chưa đủ khả năng để nắm và giữ đồ vật trong tay nhưng bé luôn sẵn sàng đập tay vào món đồ chơi hoặc những đồ vật khác trong tầm tay của bé. Các món đồ chơi dành cho bé sơ sinh có màu sắc sẽ giúp bé phối hợp kỹ năng vận động của tay và mắt. Ảnh: GettyImages. Khoảng 4 tháng tuổi, bé bắt đầu học cách nhặt đồ vật. Bé khá tò mò muốn thử sức mình bằng cách nhặt một món đồ, làm rơi nó rồi lại muốn nhặt tiếp. Cha mẹ nên đưa cho bé những đồ vật mềm, vừa tay để bé dễ cầm, như một cái lục lạc. Khoảng 4 đến 8 tháng tuổi, bé phát triển kỹ năng nhặt những đồ vật nhỏ hơn nhờ khả năng điều khiển bàn tay tiếp tục được cải thiện. Khi bé biết nhặt đồ vật, bé thường có xu hướng cho những đồ vật vừa nhặt được vào miệng. Bạn nên cách ly bé khỏi những đồ vật nhỏ để phòng trường hợp bé bị nghẹn, hóc. Những món đồ mà bạn nhét qua được lõi của cuộn giấy vệ sinh thì được coi là nhỏ với các bé. Nên cho bé chơi với những đồ vật lớn để bé hoàn thiện kỹ năng nắm đồ vật còn bạn cũng không lo bé sẽ bị hóc. Khoảng 7-8 tháng tuổi, bé có thể tự ăn. Cho bé ăn bốc là cách thú vị để bé phát triển kỹ năng cầm nắm đồ vật. Lúc đầu, bé thích dùng tay để đẩy thức ăn nhưng khi đã quen, bé có thể dùng ngón tay bốc thức ăn một cách thành thạo. 9 tháng tuổi, khả năng cầm nắm đồ vật ở bé đã khá thành thục. Bé có thể dùng ngón cái và ngón trỏ, nhặt một đồ vật nhỏ bé bị rơi. Cha mẹ càng tạo cơ hội cho bé tự ăn, bé sẽ càng biết điều khiển đôi tay một cách thành thạo. Theo mevabe.net |