Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thông điệp tài chính cho trẻ


Những điều cần nói với con trẻ về tiền bạc và cách truyền đạt cho chúng hiểu các giá trị tiền bạc là điều thực sự quan trọng đối với các bậc cha mẹ.

Đôi khi, vô tình hoặc cố ý, thái độ của bố mẹ hay lớn tiếng với nhau về chuyện tiền nong. Điều này có tác động rất lớn đến việc tạo dựng quan điểm về giá trị tiền bạc cho con trẻ. Hãy gửi đến con của bạn thông điệp về tiền bạc một cách tinh tế! Chẳng bao giờ là quá sớm để dạy bọn trẻ về tiền bạc và trách nhiệm đi kèm.

Chẳng bao giờ là quá sớm để dạy bọn trẻ về tiền bạc và trách nhiệm đi kèm

Thông điệp 1: "Ba mẹ làm gì có tiền mua cái đó chứ con!"
- Tác động tâm lý: Nếu bảo rằng bố mẹ không có tiền khi bạn đang dư dả có thể khiến con nhỏ bị mất phương hướng. Con bạn sẽ cảm thấy tiền là một cái gì đó đầy sức mạnh! Trẻ cũng có thể sinh ra cảm giác tủi thân.

- Cân bằng: Hãy tập hợp các thành viên trong gia đình lại và mỗi người sẽ lần lượt nói ra những điều mình muốn mua. Sau đó hãy lên kế hoạch mua sắm theo nguyên tắc luân phiên. Giả sử tuần này, bố sẽ được mua cho một thứ gì đó, tuần kế tiếp sẽ đến phiên con, rồi đến mẹ... Thông điệp nhất quán là ai cũng phải chờ đến phiên mình.

Thông điệp 2: "Cưng thích thì mẹ chiều"
- Tác động tâm lý: Bọn trẻ có thể trở nên hư hỏng. Nếu chúng ta dạy con rằng lúc nào chúng ta cũng có tiền hoặc giá cả không thành vấn đề, điều này có thể khiến nó nghĩ không cần lao động vẫn có tiền!

- Cân bằng: Nhiều bà mẹ cứ nghĩ nếu không mua đồ chơi cho con là không thương con. Hãy thay đổi cách nghĩ. Trước hết mẹ phải làm gương, bằng cách hạn chế mua sắm những thứ vô bổ. Nếu phải đi shopping, hãy nói trước cho con rõ rằng, chúng ta sẽ chỉ mua những gì đã được lên danh sách. Kiên quyết không "vượt khung" và từ chối những vòi vĩnh của con. Dần dần, con bạn sẽ thấm nhuần và biết cách vượt qua sự hờn dỗi khi bị mẹ từ chối không mua món đồ mình thích.

Thông điệp 3: "Mẹ phải làm việc kiếm tiền để mua mọi thứ con thích"
- Tác động tâm lý: Dù đó là do chúng ta mê việc hoặc do áp lực tài chính khiến chúng ta cực lực lao động, nhưng với bọn trẻ điều này lại chẳng mang ý nghĩa gì như thế cả. Thậm chí, khi chúng ta cố gắng giải thích để con cái hiểu, nó sẽ chỉ thấy rằng chúng ta chẳng bao giờ dành thời gian cho nó.

- Cân bằng: Thay vì phớt lờ cảm xúc của con trẻ, hãy đối diện với chúng. Thỉnh thoảng hãy nói cùng nó: "Bữa giờ chưa đi đâu hết, rảnh mẹ dắt con đi shopping nhen!". Hãy thực hiện ngay điều mình nói, dành thời gian bên con nhỏ. Đôi lúc, hãy cố gác công việc sang một bên, để con cái thấy rằng bố mẹ yêu chúng hơn công việc và tiền bạc.

Thông điệp 4: "Mẹ không có tiền, một con búp bê là đủ rồi!"
- Tác động tâm lý: Bé thấy bạn bè có quá nhiều búp bê và đòi mẹ phải mua thêm. Bạn thấy con mình đòi hỏi quá đáng nên la mắng. Xét cho cùng, bé vẫn trong giai đoạn học cách nhận thức. Bé chưa thực sự hiểu được mối tương quan giữa tiền và đồ vật. Nếu chúng ta phản ứng theo kiểu chặn đầu, từ chối ngay, bé sẽ ngơ ngác chẳng hiểu vì sao lại thế. Và nếu hôm sau bạn đi mua cho mình một đôi giày mới, bạn sẽ chẳng khác gì một người chuyên nói dối trong mắt con mình.

- Cân bằng: Hãy bình tĩnh. Nếu bạn cứ nói chuyện kiểu này, bé sẽ bị ám ảnh bởi chữ tiền. Hãy tìm hiểu điều bé đang nghĩ và ôn tồn nói với bé là mẹ cần thời gian để suy nghĩ thêm về việc mua quà cho con. Nhân tiện, hãy nói với con, phải thật ngoan, học thật giỏi thì bố mẹ mới thưởng cho. Nhất định, đừng bao giờ dùng chữ tiền để la mắng con.

Theo Tin Tức