Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Khen đúng lúc, trẻ sẽ tự tin hơn


Theo PGS.TS. Nguyễn Công Khanh chuyên gia tâm lý (Hệ thống trường Mầm Non Hoàng Gia) để giúp trẻ tự tin hơn cha mẹ cần hiểu được nguyên nhân, biểu hiện của sự thiếu tự tin ở trẻ và những phương pháp cơ bản để nuôi dưỡng, phát triển tính tự tin cho trẻ mẫu giáo.

PGS.TS. Nguyễn Công Khanh cho rằng: Sự tự tin chính là cảm giác của chúng ta về bản thân như thế nào và thái độ của chúng ta sẽ phản ánh rõ ràng những cảm giác này. Sự tự tin là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong cuộc sống. Giúp trẻ phát triển sự tự tin là cực kỳ quan trọng đối với hạnh phúc cũng như sự thành công của trẻ nhỏ và thiếu niên.

Sự tự tin và thiếu tự tin của trẻ càng được bộc lộ rõ hơn khi chúng tham gia một môi trường mới, mà khi học tại trường mầm non chính là khoảng thời gian chúng ta dễ nhận biết nhất.

Trẻ tự tin thường hoạt động một cách độc lập

Những trẻ tự tin thì luôn: hoạt động một cách độc lập, thấy tự hào về những việc mà mình đã hoàn thành. Trẻ có khả năng chịu đựng sự thất bại và hoạt động một cách độc lập. Chúng thường cố gắng thực hiện những nhiệm vụ mới và sẵn sàng trợ giúp người khác. Ở mức cao hơn trẻ có thể kiểm soát được những cảm xúc tích cực và tiêu cực.

Những trẻ thiếu tự tin thường không muốn thử làm điều gì mới và chúng phàn nàn về người khác khi chính bản thân gặp khó khăn. Trẻ cũng không mong muốn gì và có cảm giác hờ hững, bàng quan với sự việc, hiện tượng. Đặc biệt chúng không có khả năng chịu đựng sự thất mại mặc dù chỉ ở những sự việc nhỏ. Từ đó chúng thường hạ thấp khả năng của bản thân và rất dễ bị ảnh hưởng bởi người khác.

Trong quá hình thành và phát triển sự tự tin ở trẻ, phụ huynh có vai trò quan trọng hàng đầu.

1. Hãy bắt đầu nói với trẻ những lời nói khích lệ mỗi ngày
Khi bạn cảm thấy hài lòng về trẻ hãy nói cho trẻ biết điều đó. Cha mẹ thường rất nhanh chóng biểu hiện thái độ tiêu cực với trẻ khi trẻ hư nhưng không biết làm cách nào để thể hiện thái độ tích cực với trẻ khi trẻ làm điều gì đó đáng khen.

Thông thường, trẻ không biết khi nào bạn cảm thấy hài lòng về chúng. Chúng cũng cần được nghe bạn nói rằng bạn rất hạnh phúc khi có chúng trong gia đình. Trẻ sẽ nhớ đến những lời nói yêu thương mà bạn nói với chúng. Những lời nói ấy có tác dụng làm trẻ tự tin hơn và luôn được chúng nhớ tới.

2. Đừng tiết kiệm những lời nói tán dương


Động viên đúng lúc khi trẻ hoàn thành nhiệm vụ

Hãy dùng những lời lẽ tán dương trẻ khi trẻ làm việc tốt. Đương nhiên, bạn phải rèn luyện cho mình thói quen quan sát và nhận ra những việc trẻ đang làm là việc tốt hoặc tài tình. Khi trẻ làm xong một công việc nhà, bạn có thể nói: "Cha mẹ thực sự rất thích cách dọn dẹp và sắp xếp đồ chơi, con thật gọn gàng và sạch sẽ". Khi bạn thấy trẻ đang thể hiện tài năng, bạn phải nói "Con vẽ con mèo đẹp quá. Con có năng khiếu về hội họa đó".

Đừng ngần ngại nói với trẻ một cách thường xuyên những lời khen ngợi dù trước mọi thành viên trong gia đình hoặc bạn bè.

3. Dạy trẻ nói những lời nói tích cực với bản thân
Tự nói với bản thân là một phần rất quan trọng trong những việc mà chúng ta làm. Các nhà tâm lý đã chứng minh những lời nói tiêu cực sẽ đi kèm với những biểu hiện lo lắng, suy nhược. Những gì chúng ta nghĩ sẽ phản ánh những gì chúng ta đang cảm thấy và chúng ta biểu hiện thái độ như thế nào. Do đó, một việc rất quan trọng là dạy cho trẻ có thái độ tích cực với bản thân mình bằng cách nói những lời nói tích cực với chính mình.

Một trong những yêu cầu đối với phụ huynh là tránh nói "Không" với trẻ mà nên nói là "Chưa". Ví dụ khi giao nhiệm vụ cho trẻ, nếu trẻ ngại ngần nói "Con không làm được" thì phụ huynh nên nói "Con chưa làm được thôi" để tạo cho trẻ một cơ hội để vượt qua thử thách.

4. Tránh phê bình theo kiểu nhạo báng hoặc hạ thấp trẻ
Thỉnh thoảng chúng ta cũng cần phê bình một hành động của trẻ, và cha mẹ là những người thích hợp nhất để làm việc này. Tuy nhiên khi cha mẹ phê bình trẻ ngay lúc đang tức giận sẽ dễ dàng nói những lời làm trẻ thấy mình bị nhạo báng hoặc bị hạ thấp. Điều quan trọng là bạn phải học cách nói "Cha/mẹ thấy rằng" thay vì nói "Con có thấy" khi phê bình trẻ. Ví dụ, "Cha/mẹ muốn con xếp quần áo và cất trong tủ (hoặc ngăn kéo) của con gọn gàng chứ không vứt bừa bãi khắp phòng" hơn là nói rằng "Tại sao con lại lười biếng và nhếch nhác quá vậy? Con có thể tự lo cho bản thân mình được không?".

Cha mẹ cần giao tiếp với trẻ nhiều hơn

Các bậc cha mẹ nên học cách Giao tiếp tốt với trẻ trên nguyên tắc tôn trọng trẻ. Dạy cho trẻ biết tự đưa ra quyết định và biết nhận ra những quyết định đúng. Trẻ em thường xuyên phải tự quyết định hành động của mình nhưng lại không biết là mình đã tự đưa ra quyết định đó.

5. Giúp trẻ hình thành tính kỷ luật
Tất cả trẻ và thiếu niên cần biết chịu trách nhiệm về những hành vi của mình. Chúng cần được học tính tự kỷ luật. Để giúp trẻ và thiếu niên tính tự kỷ luật, các bậc cha mẹ cần thực hiện vai trò hướng dẫn hơn là người chấp hành kỷ luật và trừng phạt. Có 3 nguyên tắc kỷ luật dành cho các bậc phụ huynh đó là phải công bằng, kiên quyết và thân thiện.

Khi thiết lập được kỷ luật, trẻ sẽ có môi trường thuận lợi để hình thành và bồi đắp sự tự tin.

6. Không nên đánh giá thấp khả năng của trẻ


Cần cho giao cho trẻ những nhiệm vụ mới

Người lớn thường đánh giá thấp khả năng của trẻ, không tin rằng trẻ có thể làm được. Nhưng người lớn không biết rằng nếu không yêu cầu cao, không giao cho trẻ những nhiệm vụ đòi hỏi sự sáng tạo... là một sai lầm. Điều này sẽ dấn tới hệ quả là làm trẻ có nguye cơ thiếu hụt sự trải nghiệm cần thiết và ngăn trở trẻ nỗ lực tìm kiếm phát hiện giá trị của bản thân.

Do đó các bậc phụ huynh cần thường xuyên đưa ra yêu cầu/ giao nhiệm vụ (vừa sức) để trẻ có sự thành công, kết hợp với sự khen ngợi và động viên đúng lúc giúp trẻ hình thành sự tự tin và chủ động.

7. Cần giúp trẻ nhận ra những tình huống
Phụ huynh bằng trải nghiệm của mình cần nhận ra những tình huống nào, bối cảnh và môi trường nào thì trẻ tự tin và trong những bối cảnh nào thì trẻ tỏ nhút nhát, thụ động và lệ thuộc để cho trẻ những cơ hội rèn luyện sự tự tin. Bởi sự tự tin được hình thành từ sự chấp nhận, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, và làm chủ được các kỹ năng xã hội.

8. Trở thành tấm gương tốt
Trẻ học được rất nhiều từ bố mẹ chính vì thế mà hình ảnh của người lớn rất quan trọng trong cuộc sống của con trẻ. Những hành động và cử chỉ của bố mẹ sẽ ảnh hưởng đến sự trưởng thành của trẻ. Bố mẹ cần là một tấm gương sáng cho trẻ học hỏi.

Theo aFamily