Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ thông minh hơn nhờ được vui chơi thoải mái


Khi sinh con ra, ai cũng muốn con mình thông minh, học giỏi. Chính vì thế mà khi vừa bước qua tuổi lên 5, nhiều bậc phụ huynh bắt đầu sốt ruột muốn con học đủ thứ trên đời. Từ học chữ đến đàn hát, tiếng Anh, cái gì cũng muốn con mình phải biết. Hình ảnh các "thần đồng" nhí biết đọc chữ hay vẽ tranh khiến không ít bà mẹ "lo âu" khi thấy con mình vẫn mải miết với những trò chơi "vô bổ". Đặc biệt là những phụ huynh ở thành phố có điều kiện kinh tế dư dả, cứ hè đến là không tiếc tay chi tiền đăng ký các lớp học ngoại khóa cho con mà không kịp để chúng có thời gian vui chơi. Với trẻ lớn đã đành, với cả những bé lên 5 cũng bị cha mẹ "cướp" mất tuổi thơ trong các lớp học chữ, luyện viết chữ đẹp, đàn hát, v.v... mà không biết rằng với trẻ em, cách học tốt nhất là khi chơi. Những trò chơi chính là chương trình học lý tưởng nhất cho trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện về khả năng nhận thức, tình cảm, thể lực và xã hội.

Không dám cho con chơi vì... sợ bẩn
Trong nghiên cứu toàn cầu "Hãy để trẻ tự do vui chơi" của Mỹ được tiến hành tại 11 nước, trong đó có Việt Nam, có tới 97% những bà mẹ khẳng định "Là cha mẹ, tôi cần bảo vệ tuổi thơ của con tôi!". Tuy nhiên, khi được đặt câu hỏi: Đâu là những vật cản lớn nhất cản trở quá trình chơi đùa của trẻ, có đến 59% lo lắng về vấn đề an toàn và 47% lo lắng về bệnh tật. Ngoài ra, một tỷ lệ khá lớn (29%) lo trẻ bị vấy bẩn.

Đến 91% bà mẹ tiết lộ rằng con họ gắn liền với... chiếc tivi, và chỉ 4% bà mẹ Việt Nam cho biết con mình có tham gia vào các trò chơi vận động (trong khi tỷ lệ này với các bà mẹ trên toàn thế giới là 22%).

Tất cả các hoạt động ngoài trời khác như khám phá thiên nhiên, chơi các trò chơi tưởng tượng, sáng tạo cũng chỉ đạt tỷ lệ rất thấp: từ 5-6%.

Trẻ học được rất nhiều khi chơi
Theo các chuyên gia, việc vui chơi thoải mái với bạn bè cũng góp phần cho bé phát triển một cách toàn diện. Vì trẻ có nhu cầu khám phá thế giới xung quanh từ màu sắc, âm thanh, đến các sự vật, hiện tượng. Chơi là một hoạt động cơ bản nhằm giúp trẻ tìm hiểu thế giới xung quanh, hình thành những phẩm chất cơ bản như sự khéo léo, nhanh nhẹn, sự kiên trì, tinh thần tập thể, lòng nhân ái và óc sáng tạo.

Các kĩ năng như: sáng tạo, cách sắp xếp tổ chức, ra quyết định sẽ dần được hình thành thông qua các trò chơi. Ví dụ như khi bé chơi bán hàng với các bạn, bé sẽ biết phân công ai là người bán, ai là người mua, mua bằng gì và cách thức chơi ra sao. Những kĩ năng này ở trẻ sẽ không thể được phát huy khi chơi ở nhà trường hay trong các nhà văn hóa vì ở đó đã có thầy cô là quản trò, mọi việc đều phải theo ý sắp xếp của thầy cô. Vì vậy các cha mẹ đừng nghĩ việc chỉ đưa con đến nhà văn hóa vui chơi là đủ. Hãy để bọn trẻ được chơi với nhau. Thi thoảng, bạn nên mời bạn bè có con cùng lứa tuổi đến chơi để tạo điều kiện cho bọn trẻ được vui đùa. Hoặc những buổi chiều hãy đưa con đến công viên, xuống sân chơi của khu tập thể, chung cư cho bé được chơi đùa với các bạn.

Mua cho con những đồ chơi yêu thích và khuyến khích bé chơi, đừng tiếc tiền mua những loại rẻ vì nó gây nguy hiểm cho bé. Cần biết con mình ở lứa tuổi nào, đang thích chơi những trò gì, đồ chơi gì để đáp ứng cho con. Cha mẹ nên cùng chơi với trẻ. Trước khi hướng dẫn trẻ chơi, hãy hỏi con trước xem bé muốn chơi trò này theo cách nào để phát huy tính sáng tạo và trí tượng tượng.

Mong muốn con học giỏi là điều chính đáng, muốn con luôn khỏe mạnh là điều tốt, nhưng cha mẹ cũng nên biết rằng con mình cũng cần vui chơi để khôn lớn và trưởng thành. Nên cân đối giữa việc học và chơi của trẻ dù ở bất cứ độ tuổi nào.

Theo aFamily