Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thời tiết chuyển mùa - siêu vi tấn công trẻ


Khi thời tiết chuyển mùa là giai đoạn cao điểm của nhiều loại bệnh dịch. Trung bình, trẻ nhỏ thường bị từ 6 - 8 đợt bệnh cảm trong một năm. Đó là chưa kể những loại bệnh nhiễm siêu vi nguy hiểm khác mà trẻ rất dễ mắc phải như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm màng não... Trong tình hình hiện nay, khi Việt Nam đã là nước thứ 54 công bố có dịch cúm A(H1N1) thì việc bảo vệ sức khỏe cho trẻ càng phải được đặt lên hàng đầu.

Vì sao trẻ lại dễ bị nhiễm bệnh?

Khi thời tiết chuyển sang mùa mưa, độ ẩm trong không khí tăng cao, nhiệt độ hạ xuống đột ngột sẽ là điều kiện thuận lợi cho một số loại siêu vi phát triển rất dễ gây bệnh cho trẻ em, điển hình là bệnh cúm mùa. Loại cúm này thường sau 5 ngày sẽ giảm dần nhưng đôi khi bệnh có thể nặng hơn, có thể dẫn tới viêm phế quản, viêm phổi và những biến chứng nguy hiểm khác (động kinh, viêm màng não, suy hô hấp cấp, suy đa tạng...), nhất là ở trẻ nhỏ từ 1-6 tuổi.

Trong mùa mưa, sốt xuất huyết được xem là bệnh nguy hiểm nhất đối với trẻ em vì có thể gây tử vong nhanh và hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, thuốc chủng ngừa. Ngoài ra còn có bệnh tay chân miệng và bệnh viêm màng não cũng nguy hiểm không kém. Và hiện nay cả thế giới hiện nay đang lo sợ trước sự xuất hiện và nguy hiểm của dịch cúm A(H1N1). Dịch cúm này đang lan tràn và đã xuất hiện tại Việt Nam. Chính vì vậy mà chúng ta cần phải cảnh giác phòng bệnh, đặc biệt là với trẻ em.

Theo BS. Đinh Thị Hải Yến - TT Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP.HCM, tạo hóa đã tặng cho con người một hệ thống miễn dịch nhằm tạo ra sức đề kháng chống lại sự xâm nhập "tinh vi" của vi rút. Khi 1 loại vi rút mới xuất hiện, hệ miễn dịch không kịp nhận dạng "kẻ thù" và khi nhận dạng được thì nó đã gây ra rất nhiều hậu quả. Đặc biệt, trẻ em là đối tượng rất dễ bị tấn công vì hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh, các tế bào "lính canh" là những chiến sĩ "trẻ" chưa có nhiều "kinh nghiệm" chiến đấu như của người lớn.

Bảo vệ trẻ trước bệnh dịch như thế nào

Để phòng ngừa bệnh dịch, cần tuân thủ các biện pháp giữ vệ sinh, phòng chống lây nhiễm cho cá nhân và trong cộng đồng. Tuy nhiên, nếu chỉ chú ý phòng bệnh từ bên ngoài thì chưa đủ, trẻ cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường "nội lực", tăng sức đề kháng để nâng cao sự "dẻo dai", khả năng chống đỡ với vi rút gây bệnh dịch. Trẻ cần ăn no để đủ năng lượng với một chế độ cân đối gồm 4 nhóm thực phẩm: đạm, đường, khoáng chất và vitamin có trong các loại thức ăn (rau, hải sản, nấm v.v...).

Dù vậy, việc khẳng định bé ăn có đủ chất hay không là một điều rất khó. Nhằm phòng ngừa và bổ sung kịp thời khi bé ăn không đủ chất, BS CKII. Nguyễn Thị Hoa - Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Nhi đồng 1, khuyên có thể dùng thuốc hay các chế phẩm hỗ trợ theo chỉ định, tư vấn của bác sĩ. Trong đó, vitamin C được xem là nhân tố quan trọng trong việc tăng cuờng sức đề kháng và tăng khả năng chống nhiễm khuẩn vào bên trong tế bào, trung hòa hoặc làm giảm độc tính của các chất độc khi vào cơ thể bé.

Do có hàng trăm loại vi rút gây bệnh nên mỗi người có thể bị bệnh nhiều lần trong một năm và suốt cuộc đời. Vì thế, luôn luôn tăng cường sức đề kháng cho cơ thể chính là biện pháp hữu hiệu phòng ngừa bệnh cho mọi người nói chung, đặc biệt là đối với trẻ em.


Nguyên Anh

Theo WTT