Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cho con ăn: Chuyện không đơn giản


"Bác sĩ ơi, bé nhà em biếng ăn lắm, đút nó cứ ngậm hoài, ăn lâu lắm, em không biết phải làm sao?". "Tôi đã đọc và làm theo nhiều sách nuôi con nhưng bé cứ ốm nhom, chẳng chịu ăn uống gì cả".... Làm thế nào để giúp các bà mẹ?

"Ăn đi con"
Nếu một lúc nào đó bạn quan sát các bà mẹ cho bé ăn, bạn sẽ ngạc nhiên khi phát hiện ra một điều thú vị là gần như tất cả các bà mẹ đều dỗ dành con bằng một điệp khúc quen thuộc "Ăn đi con".

Rồi bạn sẽ càng ngạc nhiên và xúc động khi chính mình, một người đã trưởng thành, thậm chí đã có gia đình và con cái, được nghe điệp khúc quen thuộc thân thương ấy từ chính người mẹ của mình.

Tất cả các bà mẹ đều như thế, cái gì ngon mẹ đều để dành phần con từ lúc còn ẵm ngửa cho đến khi trưởng thành. Mẹ mong bé con của mình ăn mau, chóng lớn, thông minh, mạnh khỏe, thành đạt nên người. Mẹ sung sướng khi thấy con nuốt ngon lành từng muỗng bột mà mẹ bỏ công ra nấu nướng, buồn lo khi thấy bé cứ lắc đầu nguầy nguậy, đút mãi cũng không chịu ăn.

Có chị hỏi tôi "Bác sĩ ơi, bé nhà em biếng ăn lắm, đút nó cứ ngậm hoài, ăn lâu lắm, em không biết phải làm sao?" Một chị khác ở Bình Chánh nói: "Con của em đã 38 tháng rồi mà chỉ ăn ngày có 1 - 2 cữ, còn lại là nó uống sữa, nó không ăn được xác thịt, rau, chỉ húp nước canh. Bác sĩ nhìn xem cháu có bị suy dinh dưỡng không?" Một chị rất đau buồn tâm sự rằng chị đã đọc và làm theo nhiều sách nuôi con nhưng bé cứ ốm nhom, chẳng chịu ăn uống gì cả.

Việc cho trẻ ăn không phải là điều đơn giản

Vậy làm thế nào để giúp các bà mẹ? Làm sao giúp các chị không phải mất nhiều công sức mà vẫn có thể nấu cho các bé một bữa ăn ngon lành, đủ chất đồng thời tập cho bé thói quen ăn uống tốt ngay từ lúc nhỏ?

Từ 6 tháng tuổi trở đi, ngoài sữa mẹ bé con của chúng ta cần bổ sung thêm năng lượng từ thức ăn bên ngoài để đáp ứng với nhu cầu lớn nhanh và vận động của trẻ như lật, trườn, bò, ngồi... Nếu không cung cấp đủ dinh dưỡng, bé sẽ thiếu chất, chậm lên cân rồi đứng cân, suy dinh dưỡng, bé chậm lớn, chỉ số thông minh giảm và dễ mắc các bệnh như tiêu chảy, viêm hô hấp, nhiễm trùng da...

Khi ăn dặm, cơ thể bé cần đến hơn 50 chất dinh dưỡng khác nhau mà không có một loại thực phẩm nào có thể cung cấp đủ với tỉ lệ thích hợp ngoại trừ sữa mẹ trong những tháng đầu. Vì vậy bé càng ăn nhiều loại thực phẩm thì càng nhận được đầy đủ chất.

Theo quan điểm của dinh dưỡng, không có loại thực phẩm nào tốt hay xấu mà quan trọng nhất là làm sao cho bé ăn đa dạng, nhiều loại thực phẩm với tỉ lệ thích hợp, không ăn quá nhiều một loại thực phẩm, tức là mẹ phải thường xuyên đổi món và tập cho bé ăn nhiều loại thực phẩm để bé nhận được đủ chất đồng thời có một thói quen ăn uống tốt sau này.

Có thể chia các loại thực phẩm thành 4 nhóm như sau:
- Nhóm đường bột như gạo, bột, nui, mì, khoai, đường...
- Nhóm chất đạm: sữa, trứng, thịt, cá, tôm, cua, tàu hủ, các loại đậu...
- Nhóm rau quả: rau dền, mồng tơi, cải xanh, bí đỏ, cà chua, cà rốt, mướp...
- Nhóm chất béo: dầu, mỡ

4 nhóm thực phẩm này đều có vai trò rất quan trọng cho sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ. Do vậy, bữa ăn của trẻ không nên thiếu nhóm chất nào kể trên mà tốt nhất là phải đảm bảo đầy đủ 4 nhóm với tỉ lệ phù hợp. Trung bình trong một chén cháo hoặc bột của trẻ sẽ có 1 muỗng chất đạm, 1 muỗng rau và 1 muỗng dầu ăn, ví dụ như hôm nay bé ăn thịt heo thì chén bột của bé sẽ có 1 muỗng thịt + 1 muỗng rau + 1 muỗng dầu ăn, dùng loại muỗng dành cho trẻ lớn ăn cơm.

Trăm nghe không bằng một thấy
Trong một buổi hướng dẫn thực hành dinh dưỡng, chị Nguyễn Thị Kim Phượng - điều dưỡng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 1 đã hướng dẫn các bà mẹ nhiều điều rất thú vị và bổ ích. Chị trao đổi rằng để dễ dàng và thuận tiện cho mình, các bà mẹ nên chế biến bữa ăn cho trẻ từ những thực phẩm đi chợ hàng ngày cho gia đình, chẳng hạn như nếu hôm nay các chị đi chợ mua thịt heo và rau dền, mồng tơi về thì có thể chế biến 1 chén bột cho bé gồm đủ 4 nhóm thực phẩm với tỉ lệ các chất cân đối như dưới đây:

- Đầu tiên là phải rửa sạch tay trước khi chuẩn bị và chế biến thức ăn cho trẻ. Rửa sạch dao, thớt, thịt và rau.

1. Xắt và băm thịt thật nhuyễn, độ 1 muỗng thịt (dùng muỗng cho trẻ lớn ăn cơm)

2. Chọn và lặt khoảng 1 nắm lá rau tươi non và xắt nhuyễn sẽ được khoảng 1 muỗng

3. Cho thịt vào chén với 1 ít nước lạnh rồi tán đều.

4. Đổ chén thịt vào nồi, thêm vào khoảng 1 chén nước. Bật lửa và khuấy liên tục, đều tay từ giữa nồi ra xung quanh để thịt không bị vón cục.

Khi thịt đã chín, mềm thì cho tiếp 1 muỗng rau vào và tiếp tục khuấy đều

5. Cho vào nồi 1 muỗng dầu ăn, loại dầu có ghi trên chai là cooking oil. Đối với loại dầu salad thì cho dầu vào khi đã bắt nồi xuống.

6. Rau vừa chín thì nhắc nồi xuống để không bị mất chất vitamin có trong rau và giữ cho chén bột có màu sắc đẹp, hấp dẫn trẻ ăn.

- Từ từ cho bột chín vào nồi để có độ đặc phù hợp với chế độ ăn của trẻ theo lứa tuổi. Nếu bà mẹ dùng bột chưa chín thì cho bột vào chén với 1 ít nước lạnh, hòa tan, rồi cho vào nồi sau khi thịt mềm, tuy nhiên dùng loại bột này bà mẹ sẽ khó điều chỉnh độ đặc của bột hơn.

7. Cuối cùng bà mẹ đã chế biến xong 1 chén bột đầy đủ 4 nhóm chất: bột + đạm + dầu + rau với tỉ lệ các chất cân đối cho trẻ.

Lưu ý:
- Có thể dùng muối I ốt và đường có bổ sung vitamin A nêm thức cho trẻ để có khẩu vị phù hợp đồng thời bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ là I ốt và vitamin A.

- Không nên dùng bột ngọt để nêm nếm thức ăn cho trẻ. Theo một số nghiên cứu dùng bột ngọt trên súc vật mới sinh thấy có tổn thương trên não, nhưng trong thực tế vẫn chưa thấy người nào có hiện tượng này. Tuy nhiên để đề phòng, chúng ta không nên dùng bột ngọt cho trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi.

Theo BS Nguyễn Hoa
BV Nhi đồng 1