Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Ngủ chung hay ngủ riêng?


Mẹ đã chuẩn bị cho bé một cái "ổ" trong phòng riêng thật tiện nghi. Nhưng cứ phải chạy qua chạy lại dỗ bé khóc, cho bé ti thì mẹ cũng... oải lắm. Vậy thì ngủ chung? Nhưng lại sợ người lớn giành hết ôxy của bé, rồi còn chuyện sau này bé sẽ đeo bám hoài chốn "phòng the" của bố mẹ nữa chứ? Phải làm sao đây?

Chuyện ngủ chung hay ngủ riêng từ lâu đã làm dấy lên các cuộc tranh cãi um sùm giữa các bậc phụ huynh, các bác sĩ nhi khoa cũng như các nhà tâm lý. Cả phe ủng hộ lẫn phản đối đều đưa ra cả núi lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình mà rốt cục vẫn không tài nào phân thắng bại. Nhưng bạn cứ thử tham khảo những lý lẽ này đi, chúng có thể giúp bạn cân nhắc rồi rút ra quyết định đúng đắn cho riêng mình.

Mấy lợi ích của việc ngủ chung


Ngủ chung giải quyết được nhiều chuyện nhưng cũng làm nảy sinh không ít vấn đề, có thể bé chính là "kỳ đà cản mũi" chuyện phòng the của cha mẹ

Trước hết là bé sẽ được ti mẹ thuận tiện hơn và vì thế việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ được duy trì lâu hơn. Bé vốn được "lập trình" để ngủ chung và ti mẹ về đêm. Bản thân mẹ cũng được "lập trình" để cho các loại hoóc môn hoạt động tích cực giúp cho việc tiết sữa về đêm. Ngay cả sự tiếp xúc với cơ thể đứa con cũng sẽ kích thích mẹ sản xuất sữa tốt hơn.

Nhưng ngủ riêng, mẹ sẽ được ngủ yên giấc hơn, nhờ thế mà tinh thần thoải mái, đỡ cáu kỉnh, không "giận cá chém thớt" với con - phe phản đối chuyện ngủ chung lập luận. Nhưng nhiều người mẹ từng ngủ chung với con từ tấm bé lại nói rằng họ chẳng hiểu nổi những bà mẹ hay than thở về chuyện mất ngủ khi nằm cùng con, bởi bản thân họ vẫn thức giấc cho con bú rồi lại lăn ra ngủ vô tư.

Cái lợi thứ hai là bé sẽ được an toàn hơn. Theo một nghiên cứu mới đây thì nguy cơ đột tử ở những trẻ ngủ chung với bố mẹ thấp hơn đáng kể so với trẻ ngủ riêng. Lý do là khi ngủ chung, giấc ngủ của trẻ thường không sâu nên trẻ dễ tỉnh giấc để có những phản ứng báo động giúp bố mẹ sớm biết những bất ổn xảy ra.

Nhưng chuyện bé không ngủ sâu khi nằm chung cũng chính là lý do mà phe phản đối vin vào. Dẫu không phủ nhận rằng một giấc ngủ sâu tốt hơn cho sức khoẻ của bé, nhưng phía ủng hộ việc ngủ chung vẫn khăng khăng rằng với trẻ dưới một tuổi thì cái lợi của ngủ chung vẫn lớn hơn cái hại. Họ lập luận rằng khi ngủ chung với mẹ, trẻ sẽ có thêm cơ hội được âu yếm và vì thế có thêm niềm tin yêu vào thế giới xung quanh. Chưa kể, bản thân người mẹ cũng cảm thấy yên tâm hơn về sự an toàn cho bé.

Với những trẻ mà mẹ đi làm cả ngày thì cứ bú đêm còn là cách bù đắp thiệt thòi cho con. Có bé ban ngày do mải chơi lười bú thì cữ bú ban đêm cũng thật hữu ích. Tuy vậy, khi quyết định ngủ chung với con, bạn phải lưu ý:

1. Không bao giờ ngủ cùng con nếu bạn vừa mới uống rượu, bia. Trạng thái "tây ta" đâu có cho phép bạn giúp bé nhiều mỗi khi có bất trắc xảy ra.

2. Nếu dùng nệm, phải chọn loại cứng và nên cho bé nằm ngửa hoặc nằm nghiêng - đây là những tư thế an toàn hơn cả.

3. Hãy cảnh giác với chăn, gối kềnh càng trên giường vợ chồng bạn. Chúng rất có thể phủ lên mặt bé và làm bé ngạt thở trong gang tấc. Các khe hở giữa giường và tường cũng có thể nguy hiểm cho bé.

4. Cơ thể bạn chính là một thứ "lò sưởi" khi nằm bên bé. Vậy nên bạn đừng cho con mặc ấm áp quá, chăn ga cũng chỉ dùng loại mỏng thôi.

5. Phải tập dần cho con thói quen ngủ một mình và đừng coi việc chuyển từ ngủ chung sang ngủ riêng là một hình phạt. Hãy cho con ngủ xen kẽ hai kiểu ngủ chung - riêng để con quen dần.

6. Phải đảm bảo rằng việc ngủ chung không khiến bạn quá mệt mỏi, mất ngủ và hãy tập cho con nằm bú thế nào để cả hai mẹ con đều thoải mái.

Mấy "cái khó" do ngủ chung


Ngủ riêng cũng lắm điều dở, vậy cha mẹ biết chọn lựa ra sao?

Ngủ chung giải quyết được nhiều chuyện nhưng cũng làm nảy sinh không ít vấn đề. Việc ngủ chung thường khiến giấc ngủ của trẻ bất an hơn. Các nghiên cứu đã cho thấy, các vấn đề về giấc ngủ xuất hiện ở 50% trẻ ngủ cùng với bố mẹ, trong khi ở trẻ ngủ riêng con số này chỉ là 15%.

Ngủ chung với mẹ bé còn quen thói tu ti về đêm và theo ý kiến của các nha sĩ thì điều này nếu kéo dài có thể sẽ là tác nhân gây sâu răng cho bé.

Một "cái khó" nữa của việc ngủ chung là sinh hoạt phòng the của vợ chồng bạn hay bị "kỳ đà cản mũi". Rồi việc tách con ra khỏi chiếc giường thân thuộc của bố mẹ khi con đã lớn đôi khi cũng khá là gian nan.

Nhưng "cái khó ló cái khôn". Nếu không muốn bị "cản mũi" thì hai bạn hãy sơ tán sang một chỗ khác mà "tâm sự", xong xuôi lại quay về với con. Còn chuyện tách giường thì nên tiến hành từ khi con được hai tuổi rưỡi chứ đừng để lớn quá. Tốt nhất là bạn sắm sẵn cho con một chiếc giường riêng để con quen với ý nghĩ mình có một không gian riêng biệt, độc lập. Và trên chiếc giường nhỏ ấy bạn hãy cho con tập ngủ riêng vào ban ngày. Còn đến lúc chính thức "tách đàn", bạn cần thu xếp sao cho con được thoải mái vui vẻ, thậm chí còn coi việc "ra riêng" là thể hiện sự tin tưởng, tôn trọng của ba mẹ đối với mình.

Trong chuyện "tách đàn" cũng chẳng nên quá triệt để. Khi con ốm, hay gặp ác mộng... có thể để con sang ngủ chung. Chiếc giường nhỏ của con lúc đầu có thể kê cạnh giường ba mẹ để thi thoảng bạn có thể với tay sang vỗ về con.

Nói chung, bé sẽ quen được với việc ngủ một mình cũng như ngủ cùng ba mẹ. Còn lựa chọn kiểu nào, trước hết bạn hãy dựa vào trực giác của chính mình. Nếu cảm thấy ngủ chung dễ chịu cho cả mẹ lẫn con, đặc biệt là con đang ở tuổi tu ti thì bạn cứ thế mà thực hiện. Hãy làm những gì mà chính bạn thấy cần thiết cho mình và bé cưng. Còn nếu chuyện ngủ chung quả thực ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ của bạn, đến quan hệ với ông xã, thì bạn cần phải cân nhắc.

Theo Tin Tức