Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bà mẹ sợ mang bầu


Trong khi hầu hết các bà mẹ tương lai tự hào vì cái bụng chứa em bé đang to dần, thì với Maggie Baumann, đó lại là điều khiến chị "khiếp sợ".

"Khi bụng bắt đầu to ra, tôi nhớ mình đã ở trong phòng tắm, nhìn xuống thân hình và nghĩ 'Mình thậm chí không muốn ở trong cơ thể này'", Baumann nhớ lại.

Bà mẹ hai con 48 tuổi sống ở California, Mỹ, cho biết, chị đã phải vật lộn với chứng sợ ăn khi mang thai.

"Tôi thậm chí không nghĩ gì về đứa bé. Không phải bởi vì tôi không muốn có nó, mà chỉ bởi tôi không thể chịu đựng khi thấy thân mình thảm hại như thế", Baumann kể về lần sinh cô con gái đầu, giờ đã 23 tuổi.

Người phụ nữ này đã phải đấu tranh với chứng biếng ăn kể từ khi học trung học, nhưng tình trạng trở nên tồi tệ hơn sau khi chị kết hôn và có con.

"Tôi sợ mang thai. Tôi từ chối mua quần áo bà bầu và hàng xóm không hề biết tôi có mang cho đến tận lúc 9 tháng. Tôi giấu rất kỹ", Baumann kể. Lần đó, chị tăng 15 kg, bình thường như bất cứ bà mẹ nào khác.

Kathleen Rasmussen, chủ tịch Viện Y khoa Mỹ, cho biết tuy gần như chưa có nghiên cứu nào về hội chứng sợ ăn khi mang thai, song không phải là hiếm trường hợp bà bầu có những cảm xúc trái ngược khi thấy thân hình xổ ra.

"Phụ nữ có những phản ứng tâm lý rất khác nhau khi mang thai. Một số thì sợ thân hình mới của mình, số khác thì không để ý lắm và có những người lại thấy xấu hổ", Rasmussen nói.

Sau lần đầu "kinh hoàng", lần mang bầu thứ hai, Baumann sợ ăn đến nỗi chị chỉ tăng 1,35 kg - hầu như không đáng kể.

"Khi có thai Whitney, tôi sững sờ khi thấy cơ thể lại trải qua sự thay đổi như lần trước và hoảng sợ vì mất kiểm soát. Tôi nhớ rằng mình đã mất eo nhanh chóng và tự nhủ thầm 'thế là lại bắt đầu'", chị nhớ lại lần sinh cô con gái thứ hai Whitney.

Tiến sĩ Robert Zurawin, trợ lý giáo sư tại khoa Sản và Phụ khoa ở Trường Y, Baylor, Houston, thì cho biết hiện tượng các bà bầu sợ tăng cân cũng rất phổ biến.

"Những phụ nữ mắc chứng sợ ăn - hoặc không ăn khi có thai vì ám ảnh tăng cân - cần nghĩ đến con. Có thể họ đã xem quá nhiều hình ảnh về những phụ nữ phát phì khi mang thai, hoặc họ sợ không thể giảm cân sau đó", Zurawin nói.

"Các bà mẹ phải đặt nhu cầu của đứa con lên trên hết. Bởi bạn cần biết rằng những gì bạn ăn sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng cũng như sức khỏe của bé. Đây là thời điểm trong đời mà việc ăn uống hợp lý là rất, rất quan trọng", bác sĩ nhấn mạnh.

Baumann đã tập cật lực để giữ gọn gàng vòng hai. Ngay cả khi suýt xảy thai Whitney ở quý đầu, thì bà mẹ này vẫn không hề bỏ ý định luyện tập hay tăng lượng calo cho cơ thể.

"Khi tôi ăn, tôi phải canh chừng để duy trì chế độ luyện tập, tôi phải đảm bảo để lượng calo đốt cháy nhiều hơn lượng mà tôi ăn vào", chị kể.

"Whitney đã may mắn lọt lòng mẹ an toàn, và tôi chỉ có thể nói rằng giờ đây tôi đã nhận ra những gì mình làm vào thời điểm đó, như trong một thế giới khác", Baumann nói.

Baumann vẫn mang thai Whitney đủ ngày đủ tháng, nhưng cô bé ra đời chỉ nặng 2,25 kg. Trong vài tháng đầu tiên, cô bé chịu phải những cơn tai biến mà các bác sĩ phỏng đoán là do suy dinh dưỡng trong bụng mẹ. Không dừng lại ở đó, Whitney còn mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.

Các bác sĩ nhận định cô con gái của Baumann có thể rơi vào tình trạng tồi tệ hơn mẹ.

Theo VNE