Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Khắc phục tâm lý ganh tị của trẻ


Sự ganh tị giữa anh em là có thật và khá mạnh mẽ, khó có thể xóa bỏ trong ngày một ngày hai. Bạn không thể cấm đứa con lớn không được so bì với em vì em bé còn nhỏ và cần nhiều sự chăm sóc hơn. Có bao giờ bạn tự hỏi rằng tại sao bé lại luôn ganh tị với em? Có phải bé không thương em bé, không nghe lời cha mẹ? Thật ra, lòng tỵ nạnh ngày một lớn và lại xuất phát từ tình cảm sâu sắc bé dành cho cha mẹ và từ sức mạnh của sự ràng buộc thiêng liêng của các thành viên trong gia đình.

Đây là tâm lý thường thấy của rất nhiều trẻ em. Và cũng có rất nhiều ông bố hoặc bà mẹ cho rằng đây là hiện tượng bình thường, việc này sẽ giảm dần dần khi bé lớn lên. Thế nhưng, các chuyên gia lại cho rằng, tâm lý quá ganh tị sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát triển của trẻ em, khiến cho các bé luôn luôn cảm thấy tự ti. Dưới đây là một vài phương pháp để bạn giúp bé lấy lại cân bằng tâm lý.

1. Chú ý tới tâm lý của bé, nhưng không tỏ ra đồng tình
Trẻ em thường rất khó kiềm chế tình cảm của chính bản thân mình. Việc bạn quan sát và theo dõi các diễn biến tâm lý của bé để từ đó biết trước được các phản ứng là điều không khó. Khi bé có tâm lý đố kỵ, bé thường bộc lộ ra ngoài như không vui, khóc lóc quấy nhiễu hoặc đập phá. Tâm lý này cũng có khi ảnh hưởng tới sức khỏe như đau bụng, nôn ọe hoặc khó chịu. Những lúc thế này, các ông bố bà mẹ cần phải nhận biết được và giải thích rõ cho bé hiểu. Ví dụ, bạn dắt một bé 3 tuổi và một bé 5 tuổi cùng đi dạo trong công viên. Bé 5 tuổi thấy mẹ thường che nắng cho em mình thì cảm thấy khó chịu và khóc đòi mẹ bế. Lúc này bạn sẽ phải nói với bé rằng "Con thấy đấy, nếu mẹ bế con thì em phải đi bộ, như vậy có công bằng không?". Lúc này, bé sẽ nhận thức được và lần sau sẽ có những chuyển biến tích cực hơn.

2. Nói với bé rằng "người lớn cũng có khi cảm thấy ganh tỵ"
Người lớn phải giúp cho các bé hiểu rằng ganh tỵ cũng bình thường như những biểu hiện tâm lý khác, nhưng là không tốt và không nên. Bạn có thể nói với bé rằng người lớn cũng đố kỵ và lấy ví dụ cho bé hiểu. Có thể kể ra một câu chuyện và trong câu chuyện đó thì người lớn phải cư xử thế nào cho đúng dù bản thân cũng có tâm lý đố kỵ. Khi nghe kể, bé sẽ hiểu rằng "ngày xưa mẹ cũng giống mình và tâm lý này hoàn toàn có thể thay đổi được". Dần dần bé sẽ có những biểu hiện tốt hơn.

3. Không nên nổi cáu với bé hay có sự phân biệt đối xử
Trẻ em thường thông qua cách cư xử của người lớn mà nhận biết và tự học hỏi. Khi bé có tâm lý đố kỵ, bạn không nên đồng tình, nhưng cũng không nên chỉ trích bé quá nặng nề. Ví dụ, khi bé thấy người bạn cùng bàn có thứ đồ chơi mình mong muốn và tỏ ra ganh tỵ, đừng quát mắng bé ích kỷ, hãy nhẹ nhàng khuyên bảo và nói với bé rằng "Con không nên như thế, tại sao con không lại gần và nói rằng con muốn được cùng chơi với bạn".

Một điều quan trọng nữa đó là bạn không nên có sự phân biệt đối xử đối với bé, làm như vậy sẽ chỉ khiến bé cảm thấy bất công và có tâm lý bất mãn.

4. Giúp bé tìm ra phương án giải quyết
Khi bé ganh tỵ, bé thường mong muốn mình tìm được đồng minh. Bạn có thể chính là đồng minh của bé lúc đó, nhưng không phải là tâm lý cùng đồng tình với những biểu hiện của con. Trái lại, bạn hãy giúp bé giải thích rõ mọi chuyện và tìm ra phương án giải quyêt. Ví dụ, khi bé tham gia chạy đua với một người bạn cùng lớp. Bé đã thua, và tỏ ra ghen tức. Lúc này bạn hãy lại gần động viên và nói với bé rằng "Con thua vì con chưa giỏi bằng bạn, thế tại sao con không chăm chỉ tập luyện hơn để có thể thắng bạn trong cuộc thi sau?".

5. Tuyệt đối không nên mang bé ra so sánh với bạn bè đồng trang lứa
Có thể người lớn không để ý, nhưng việc bạn mang con ra so bì với những bạn bè đồng trang lứa là điều hoàn toàn không tốt. Bé sẽ cảm thấy bực bội và có những phản ứng tiêu cực.

Điều cần chú ý nữa chính là hãy luôn biểu dương bé trước mặt người khác chứ đừng chê bai, hãy giúp bé có tâm lý được cha mẹ tin tưởng.

Theo aFamily