Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Khi bé là “cụ non”


Nhiều khi cô bé 3 tuổi nhà bạn phát ngôn khiến bố mẹ đi từ cú sốc này đến cơn choáng nọ.

Bé Hà, con của anh Tân và chị Thúy ở thủ Đức, chỉ mới tám tuổi mà đã như "bà già", khiến người lớn nhiều phen bị "sốc". Có lần, bố mẹ to tiếng với nhau, Hà ngồi một góc, bình thản chờ bố mẹ "giải quyết" xong mới nói: "Bố mẹ yêu thương làm chi mà cứ cãi nhau hoài". Vợ chồng anh Tân "hết hồn", cùng xoa đầu con rồi cười làm hòa với nhau.

Những lời nói, hành động "già trước tuổi" của trẻ chỉ là sự phản ánh, nhắc lại những gì trẻ đã nghe, thấy và học được từ người lớn

Còn bé Hoa, con chị Tình ở Q.9, TP.HCM, thấy các bạn hàng xóm chơi đồ hàng, bé chỉ đứng xem một tý rồi về. Lúc nhặt rau trong bếp cùng mẹ, bé tỉ tê: "không hiểu sao các bạn cứ thích nấu cơm, đi chợ đồ hàng mà không chịu về nhà phụ mẹ gì hết".

Chị Tình hỏi con có thích chơi đồ hàng không, bé bảo: "Con phụ mẹ nấu cơm, quét nhà có ích hơn chơi đồ hàng nhiều".

Bé Luy Na học lớp 3 thường có cách nói chuyện, hành động khiến cho cô giáo, bạn bè ngạc nhiên. Giờ dã ngoại, thấy các bạn nam giày xéo một con giun, Na can: "Giun cũng là một sinh mệnh, các cậu làm vậy, sau này chết sẽ biến thành giun đấy!"

Trong giờ ra chơi, cô giáo thấy Na ngồi một mình, chơi với... đàn kiến. Cô hỏi sao không ra chơi với các bạn, Na trả lời: "Loài vật còn đáng yêu hơn những con người xấu tính, cô à".

Cô giáo đem chuyện kể với mẹ Na thì được biết, bà nội Na theo đạo Phật, có thể bé ảnh hưởng triết lý Phật giáo từ những câu chuyện của bà.

"Cụ non" trong mắt chuyên gia tâm lý
Theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Tâm Nhàn, Trung tâm Tư vấn Tâm lý Hồn Việt, những lời nói, hành động "già trước tuổi" của trẻ chỉ là sự phản ánh, nhắc lại những gì trẻ đã nghe, thấy và học được từ người lớn. Những trẻ thông minh, tinh ý sẽ nắm bắt rất nhanh từ môi trường sống. Đây là quá trình trẻ tích lũy kinh nghiệm sống cho mình.

Do tính cách, mỗi trẻ có cách phản ứng khác nhau, từ kinh nghiệm đã tích lũy cộng với thái độ của bố mẹ.

Những trẻ sống trong gia đình hạnh phúc, được yêu thương, quan tâm đầy đủ sẽ giữ được sự ngây thơ, trong sáng vốn có của lứa tuổi. Những trẻ sớm nhận thức được sự mất mát, thiếu thốn tình thương sẽ mang nỗi mặc cảm, oán trách người đã gây ra sự bất hạnh cho chúng. Khi lớn, trẻ dễ trở thành người thiếu niềm tin vào cuộc sống, lo sợ khi bước vào đời.

Chuyên viên tâm lý Lê Khanh, Tân Định Clinic, cho rằng: "Già trước tuổi là sự phát triển lệch, bởi trẻ chỉ lớn ở một vài khía cạnh. Điều này gây bất lợi cho những quan hệ bình thường của trẻ. Trẻ có thể bị "tẩy chay" hay chính trẻ tự cô lập mình (như trường hợp bé Luy Na).

Bố mẹ của các bé cần làm gì?
Bố mẹ cần quan tâm, lắng nghe tâm tư tình cảm của trẻ. Điều quan trọng là giúp trẻ có môi trường sống tốt, hướng trẻ đến những hoạt động tích cực, tránh để chuyện của bố mẹ ảnh hưởng đến suy nghĩ của trẻ.

Trong trường hợp bố mẹ đã ly hôn, cần giúp trẻ không coa cảm giác hụt hẫng, mất mát người thân. Dù không sống chung, bố mẹ vẫn phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm với con, luôn ở bên và đồng hành cùng con trong quá trình phát triển.

Theo Tintuc