Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Vai trò và cách sử dụng chất béo


Gia đoạn bước vào tuổi ăn dặm cho đến khi bé được 2 tuổi, cha mẹ nên duy trì chế độ đủ chất béo cho bé (khuyến cáo của các chuyên gia Nhi khoa Hoa Kỳ). Chất béo ở đây bao gồm dầu ăn (dầu oliu, dầu vừng, dầu hướng dương...), mỡ động vật và một dạng chất béo khác có trong sữa ngoài hoặc những sản phẩm có chiết xuất từ sữa như phômai, sữa chua, phomat, bơ...

Vai trò của chất béo
Giai đoạn dưới 2 tuổi, tốc độ phát triển của bé diễn ra khá nhanh. Khoảng 1 tuổi, bé có thể cân nặng gấp 3 lần trọng lượng lúc bé chào đời và chiều cao của bé đạt 70-80cm. Để tăng trưởng tối ưu, bé cần được cung cấp một lượng dinh dưỡng hợp lý. Một phần dinh dưỡng này lại được hấp thu vào cơ thể của bé thông qua chất béo.

Chất béo cũng đóng vai trò quan trọng trong sự hoàn thiện bộ não của bé. Khoảng 60% thể tích của não và vỏ não, bao quanh ống thần kinh được cấu thành từ chất béo.

Ảnh: GettyImages.

Sử dụng chất béo trong thực đơn ăn dặm
Dầu ăn. Ngay khi bé bắt đầu ăn dặm, bạn nên nêm dầu ăn (1-2 thìa cafe) sau khi bạn đã múc bột của bé ra bát. Thứ nhất là để bạn bổ sung nguồn dinh dưỡng từ chất béo cho bé. Ngoài ra, có một số vitamin từ thức ăn dặm của bé không tan trong nước mà chỉ tan trong môi trường dầu ăn. Việc bạn nêm dầu ăn sẽ giúp cơ thể bé hấp thu tối đa lượng vitamin này.

Chế độ ăn với chất béo và hàm lượng cholesterol cao chỉ được dành riêng cho người lớn hoặc nên bắt đầu áp dụng với bé trên 2 tuổi.

Bạn vẫn nên cho bé uống sữa có đủ hàm lượng chất béo cho đến khi bé lên 5 tuổi.

Nếu muốn cho bé ăn kiêng, giảm cân, bạn nên trao đổi cụ thể với bác sĩ dinh dưỡng.

Mỡ động vật. Với bé lớn hơn, bạn có thể nêm mỡ vào cháo cho bé. Lúc đầu, bạn thử nêm một chút mỡ gà (hoặc mỡ cá) sẽ khiến bát cháo của bé có vị ngon hơn, thơm hơn. Nếu không, bạn có thể ninh xương lợn (heo) lấy nước nấu cháo cho bé. Cách này vừa khiến bé được thay đổi khẩu vị, kích thích bé thèm ăn và ăn ngon miệng; vừa cung cấp tối đa nguồn chất béo trong thực đơn dinh dưỡng của bé. Nguyên nhân là do mỡ động vật có nhiều cholesterol - một chất rất cần thiết cho bé nhưng nó lại không được tìm thấy trong các loại dầu thực vật. Bạn có thể cho bé ăn một bữa dầu thực vật, một bữa mỡ động vật mỗi ngày.

Lưu ý: Giai đoạn này, dạ dày của bé còn tương đối nhỏ. Để bé nhận đủ dưỡng chất cần thiết, bạn nên chế biến món ăn của bé thật đa dạng, theo nguyên tắc: mỗi phần thực phẩm là một lượng nhỏ.

Sữa. Nguồn chất béo không thể thiếu với bé dưới 2 tuổi là sữa mẹ và sữa ngoài. Nếu bé đã bước vào tuổi ăn dặm, bạn có thể cho bé ăn thêm sữa chua, phômai. Một số chuyên gia gợi ý, bạn có thể cho bé làm quen với sữa chua và phômai khi bé được khoảng 6-7 tháng tuổi. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, bạn nên cho bé ăn sữa chua khi bé được 9 tháng tuổi vì lúc này, hệ tiêu hóa của bé đã khá tốt. Cũng giống như khi lựa chọn thời điểm cho bé ăn dặm, bạn có thể tự chọn khoảng thời gian hợp lý để cho bé ăn sữa chua. Tốt nhất, bạn nên tìm mua loại sữa chua dành riêng cho bé.

Bạn cũng không nên cho bé dùng sữa bò cho đến khi bé được 1 tuổi. Lý do là vì sữa bò nghèo chất sắt, nhiều kalo, dễ khiến bé nhanh no bụng mà lại thiếu hụt dinh dưỡng.

Theo mevabe.net