Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Làm gì để bé thích đọc sách


Khi đọc sách cho con nghe, bạn nên đọc thật diễn cảm, thong thả và có đoạn nghỉ để bé có thời gian tưởng tượng những con người, cảnh vật trong câu chuyện.

Trẻ thích thú lắng nghe những âm thanh của ngôn ngữ trước khi chúng chú ý đến sự tồn tại của chữ viết trên giấy. Chúng bi bô khi bạn nói hoặc hát, và khi lớn, trẻ sẽ nhanh chóng nắm được nghĩa và từ mà chúng nghe được. Đọc to cùng trẻ là một điều cần thiết để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và đọc tốt.

Bạn có thể khơi dậy niềm ham mê đọc sách cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Sau đây là một vài điều bạn có thể làm để nuôi dưỡng sự yêu thích đọc sách cho trẻ:

Trò chuyện, hát và chơi cùng với trẻ
Trẻ thích thú khi được nghe bạn nói. Hằng ngày, bạn chỉ cần nói chuyện với con, đọc cho bé nghe những câu thơ có vần dành cho trẻ mẫu giáo, hát, chơi cùng với con...

Dành một thời gian nhất định để đọc sách
Bạn hãy cố gắng đọc sách cùng với con hằng ngày theo một thời gian biểu nhất định. Nếu có thể, hãy chọn lúc mà bạn có thể thư giãn, không vội vàng. Nếu có hai con trở lên thì bạn hãy cố gắng dành thời gian đọc với từng đứa riêng lẻ, đặc biệt nếu trẻ cách nhau hơn 2 tuổi. Việc bạn dành một thời giờ nhất định để đọc sách đưa đến cho trẻ thông điệp rằng đọc sách rất thú vị.

Đừng tỏ ra mệt mỏi khi con yêu cầu đọc lại cùng một câu chuyện
Nếu để ý bạn sẽ biết trẻ thường yêu cầu được nghe kể nhiều lần cùng một câu chuyện mà không thấy chán. Bé thích thú vì biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và thường có khả năng nhớ câu chuyện đó tốt đến mức có thể kể lại câu chuyện theo cách riêng của mình.

Câu chuyện mà bé thích nhất có thể giúp bạn hiểu nhu cầu tình cảm và những sở thích hiện tại của con. Vì thế bạn cần phải kiên trì trong suốt giai đoạn này. Nếu trẻ được tiếp xúc thường xuyên với nhiều loại sách thì cuối cùng chúng sẽ sẵn sàng đọc những loại sách khác.

Đọc thật chậm và có ngữ điệu
Vấn đề ở đây không chỉ là bạn đọc gì cho trẻ nghe mà còn là cách bạn đọc. Nếu bạn vội vàng đọc cho qua một câu chuyện hoặc đọc mà không có ngữ điệu, trẻ sẽ nhanh chóng mất đi niềm đam mê với sách.

Bạn hãy cố gắng đọc thật diễn cảm và sử dụng những giọng khác nhau cho từng nhân vật. Đọc với một tốc độ thong thả với những đoạn nghỉ sẽ giúp trẻ có thời gian tiếp nhận những gì chúng nghe được, ngẫm nghĩ lại nó và tưởng tượng ra những người, địa điểm và sự kiện.

Bạn có thể đặt ra một câu hỏi hoặc đưa ra một lời bình luận, điều này sẽ thúc đẩy trẻ suy nghĩ, thể hiện bản thân mình hoặc liên hệ câu chuyện với một tình huống thực tế của bé. Bạn cũng nên theo dõi cảm xúc của trẻ, đôi khi chúng bị lôi cuốn vào câu chuyện và không muốn ngừng lại.

Chọn những quyển sách mà trẻ thích
Thường xuyên đọc sách cho trẻ nghe, bạn có thể biết rất nhiều về loại sách mà trẻ thích và có thể hiểu được. Bạn hãy đưa trẻ đến thư viện, cửa hàng sách và để trẻ tự quyết định sẽ chọn quyển nào.

Bạn có thể chọn những sách liên quan đến những điều xảy ra trong cuộc sống của trẻ ở thời điểm đó, điều này sẽ giúp giai đoạn chuyển tiếp của trẻ dễ dàng hơn và giảm nỗi sợ trước những điều sắp xảy ra. Những chủ đề như: dạy dỗ những điều không tốt, có thêm anh chị em ruột mới, nhận con nuôi hoặc chuyển đến nhà mới có trong rất nhiều loại sách được viết bằng ngôn ngữ dành cho trẻ.

Đừng bao giờ ép buộc trẻ phải đọc cái này và khi nào phải đọc
Rầy la trẻ về thói quen đọc sách của chúng có thể khiến trẻ chống đối việc đọc sách. Một vài đứa trẻ đến tuổi đi học chỉ chọn đọc những quyển sách hài hước hoặc những tạp chí về các ngôi sao sau khi đã hoàn thành bài tập về nhà. Bạn cố gắng không trách mắng gì vì dù sao thì trẻ cũng đang đọc. Nếu trẻ mắc lỗi vì đọc to, bạn cũng đừng phá ngang. Nếu lỗi này vẫn không thay đổi thì hãy cứ kệ nó vậy.

Luôn thể hiện cho trẻ thấy bạn đánh giá cao sự nỗ lực của trẻ
Điều quan trọng là bạn phải biết khuyến khích trẻ khi thấy trẻ thích thú đọc sách. Hãy đề nghị trẻ đọc cho bạn, hay một đứa nhỏ hơn hoặc là một vị khách đặc biệt nghe. Hãy nói với họ rằng con đang đọc cái gì và hãy phản ứng một cách tích cực.

Theo VnExpress