Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mẹ ơi, bé buồn!


Thế giới trong mắt trẻ thơ không phải lúc nào cũng màu hồng, nhiều lúc bé cũng buồn đấy.

Phô trương
Bé không giấu nỗi buồn của mình, thậm chí có bé còn trịnh trọng thông báo: "Hôm nay có một người không ăn cơm đâu, vì người đó đang rất buồn".

Giải mã:
Kiểu buồn này thường có nguyên nhân từ việc bé không được đáp ứng một yêu cầu nào đó hoặc đang giận bạn. Đây là kiểu buồn nhằm thu hút sự chú ý của bố mẹ. Nếu bố mẹ tôn trọng nỗi buồn của bé mà để con ở một mình là bé sẽ giận bố mẹ luôn đấy.

Thay vào đó, bố mẹ nên trò chuyện, tỏ vẻ quan tâm đến bé. Nếu nguyên nhân là do yêu sách của bé không được đáp ứng, bạn nên giải thích cho con hiểu. Nên cố gắng giải thích một cách đơn giản, bằng một ví dụ hoặc câu chuyện sẽ có tính thuyết phục hơn.

Tốt nhất, bố mẹ hãy giúp trẻ đối diện và cùng bé tìm cách giải quyết vấn đề (ảnh minh hoạ)

Im lặng bất thường
Bé chơi đồ chơi, ăn cơm, xem ti-vi hay làm việc gì đó trong tâm trạng uể oải, im lặng khác hẳn ngày thường. Có khi bạn lại bắt gặp bé đang chống cằm ngồi thừ ra, vẻ đang suy nghĩ mông lung lắm.

Giải mã:
Nhiều bé cố tự giải quyết vấn đề của mình vì không muốn bố mẹ lo lắng. Nhưng cũng có thể bé không muốn chia sẻ vì bố mẹ chưa thực sự là chỗ dựa tinh thần của bé.

Dù là nguyên nhân gì, bố mẹ cũng nên tế nhị tìm hiểu lý do bé buồn. Lúc đầu, có thể bé vẫn chưa cởi mở nhưng cùng với sự kiên nhẫn của bố mẹ, con trẻ sẽ mở lòng hơn.

Giữ lại cho mình
Có những bé khi buồn thường giấu kín cảm xúc, chỉ thích được ở một mình.

Giải mã:
Khác với những bé trong trường hợp 2, những bé này hoàn toàn không có nhu cầu chia sẻ tâm sự. Đây là cách phản ứng của những bé có khuynh hướng hướng nội và "già trước tuổi".

Khi gặp vấn đề nào đó, bé thích tìm một chỗ kín đáo để suy ngẫm. Nhiều khi bé chẳng tìm được lời giải cho vấn đề của mình, nhưng vẫn cương quyết không để lộ cho người khác biết chuyện bé đang buồn bực.

Một số trẻ (thường là ở tuổi vị thành niên) lại cố giấu những bất ổn trong lòng bằng nụ cười gượng gạo, những câu nói đùa. Vì vậy, đừng thấy con lúc nào cũng "vô tư" mà an tâm, có thể bé đang nặng trĩu nỗi buồn trong lòng đấy.

Bạn có thể dễ dàng tìm ra nơi ẩn nấp của bé nhưng đừng vội vàng xâm nhập lãnh địa này. Trước tiên, bạn phải giúp bé làm quen với ý nghĩ không nên giữ lại mọi chuyện cho mình mà nên chia sẻ để "chia đôi nỗi buồn". Bạn có thể thử gợi ý để bé viết nhật ký hoặc viết thư gửi ông già Noel.

Giận cá chém thớt
Khi thấy bé vặn vẹo, đấm thùm thụp vào người bạn gấu bông hoặc ném nó một cách thô bạo vào góc tường, gây hấn một cách vô lý với người xung quanh (thường là với em), bạn nên chú ý. Có thể bé đang buồn bực chuyện gì đó mà không biết cách giải tỏa nên quay sang giận cá chém thớt.

Giải mã:
Bé trai có khuynh hướng phản ứng theo cách này hơn bé gái. Các bé được bố mẹ chiều chuộng quá mức cũng thường thể hiện nỗi buồn bực theo kiểu này.

Bạn cần giúp bé hiểu cách này không giúp giải tỏa nỗi buồn bực. Tốt nhất, bố mẹ hãy giúp trẻ đối diện và cùng bé tìm cách giải quyết vấn đề. Ngoài ra, bố mẹ có thể hướng dẫn bé dành phần năng lượng "tăng thêm" vào những việc tích cực hơn như hát karaoke, vẽ chẳng hạn.

Theo Tin Tức