Hội chứng tự kỷ!
Thời gian gần đây, những đứa trẻ được xác định có biểu hiện của hội chứng tự kỷ ngày càng nhiều. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học tập, sinh hoạt của chúng và cả những người xung quanh.
Mamnon.com gửi đến độc giả những nghiên cứu về hội chứng tự kỷ từ website http://tvvn.org/ để giúp độc giả hiểu rõ hơn về hội chứng tự kỷ và cách điều trị.
Bài 1: Hội chứng tự kỷ
Hội chứng tự kỷ: Được tạm dịch từ chữ: "Autism Spectrum Disorders", là một số bệnh ảnh hưởng đến trí não, xuất hiện trong thời kỳ thơ ấu với tỷ lệ: 3.4/1000 trẻ em.
Hội chứng này tùy theo mức độ trầm trọng, ảnh hưởng ít nhiều đến những đứa trẻ này và gia đình của chúng.
Năm 1943, Bác sĩ Leo Kanner tại Johns Hopkins khảo sát 11 đứa trẻ được xem là phát triển "không bình thường" và giới thiệu danh từ "early infantile autism" để gọi tên chứng bệnh. Cùng lúc, tại Đức, Bác sĩ Hans Asperger cũng quan sát và đặt tên cho một hội chứng với các triệu chứng tương tự, nhưng với mức độ nhẹ hơn, là chứng Asperger. Ngày nay, cả hai hội chứng kể trên được xếp loại như một nhóm bệnh ảnh hưởng đến trí não, với mức độ khác nhau, là "Pervasive development disorders, PDD" hay còn gọi là "Autism spectrum disorders, ASD".
Tất cả các chứng bệnh này đều ảnh hưởng không nhiều thì ít đến cách sử dụng ngôn ngữ, cách giao tiếp với đời sống (người và vật trong gia đình cũng như xã hội), đặc biệt là ảnh hưởng đến hành động và cách hành xử của đứa trẻ.
Khi chứng ASD được chẩn đoán sớm, những phương pháp chữa trị sử dụng sớm như phương pháp huấn luyện giúp đứa trẻ giao tiếp với đời sống dễ dàng hơn, việc theo dõi sự phát triển kỹ lưỡng sẽ giúp đứa trẻ một cơ hội phát triển gần mức bình thường. Hiện nay, khoảng 50% trẻ em với chứng ASD được khảo nghiệm và chẩn bệnh trước khi bắt đầu đi học.
Những đứa trẻ bị ASD đều gặp những khó khăn sau đây:
1. Giao tiếp với đời sống.
2. Cách diễn tả ý nghĩ, tình cảm qua ngôn ngữ và cử chỉ (verbal and non-verbal communication skills).
3. Có hành động hay ý thích lặp đi lặp lại (repetitive).
Hơn nữa những đứa trẻ này thường có phản ứng khác thường khi nghe một vài loại âm thanh hay một vài thứ hình thể. Những triệu chứng này đi từ nhẹ đến trầm trọng, và xuất hiện khác nhau trong mỗi đứa trẻ. Chẳng hạn như đứa trẻ có thể đọc chữ dễ dàng nhưng khó giao tiếp với người lạ. Mỗi đứa trẻ có một số triệu chứng khác thường về ngôn ngữ cử chỉ, giao tiếp riêng nhưng nhìn chung đều nằm trong một mẫu số của hội chứng ASD.
Những đứa trẻ này không theo một tiến trình phát triển trí tuệ bình thường. Một số trẻ em có dấu hiệu bất thường từ lúc sơ sinh, nhưng hầu hết, các triệu chứng khác lạ xuất hiện so với những đứa trẻ cùng tuổi. Khoảng 12 - 36 tháng, những triệu chứng trở nên dễ nhận thấy hơn. Một số cha mẹ nhận thấy sự bất thường khi đứa trẻ bắt đầu xa lánh người chung quanh, mất những hành động, cử chỉ mà trước đó chúng đã học và làm được. Một số khác nhận ra rằng đứa trẻ ngừng phát triển về mặt trí tuệ trong khi những đứa trẻ cùng tuổi khác tiếp tục lớn khôn.
Trúc Giang mamnon.com
Theo http://tvvn.org