Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

5 lý do làm mẹ đau ngực khi cho bú


Nhiều trường hợp, nguyên nhân gây đau ngực là do bạn cho bé bú sai tư thế

Những cơn đau xuất hiện và kéo dài suốt quá trình bạn cho bé bú. Bạn nên kiểm tra xem việc cho bé bú đã được tiến hành đúng cách chưa:

- Khi cho bé bú, tốt nhất bạn nên chọn tư thế ngồi thoải mái trên ghế. Nếu sức khỏe còn yếu, bạn có thể chọn kiểu nằm trên giường, với bé nằm bên cạnh. Tuy nhiên, bạn nên hạn chế tư thế này; bởi vì, việc bú nằm có thể khiến sữa từ khoang miệng tràn vào tai bé, gây nên chứng viêm tai giữa.

- Tiếp đến, bạn hướng mặt bé về phía bầu vú mẹ, sao cho vùng đầu và thân bé như được đặt trên một đường thẳng, bụng bé áp sát vào bụng mẹ. Dùng tay nâng cả bầu vú; sau đó, bạn đưa cả bầu vú (chứ không phải chỉ có núm vú) về phía miệng của bé. Bạn nên chạm núm vú vào miệng bé, nhằm tạo phản xạ kích thích khiến bé nhanh mở miệng ra. Bạn có thể tìm một tư thế cho bé bú đến khi bạn thấy thoải mái, mà không gây đau thì thôi.

Những nguyên nhân khác khiến ngực bị đau khi cho bé bú, tổng hợp từ Aboutkidshealth.

Đau ngực do bị nhiễm khuẩn

Những loại vi khuẩn có thể sinh sôi trong quá trình bạn cho bé bú; sau đó vài ngày (hoặc vài tuần) các cơn đau mới xuất hiện đột ngột (trước đó, bạn không có bất kỳ dấu hiệu nào). Những nguời mẹ có kinh nghiệm, chia sẻ, cơn đau thường kéo dài trong suốt quá trình bạn cho bé bú hoặc giữa những cữ bú.

Những dấu hiệu khác khi bạn bị đau ngực do nhiễm khuẩn là: bầu ngực bị bong vảy từng mảng, núm vú có màu đỏ sậm... Trường hợp này, người mẹ có thể được bác sĩ chỉ định cho dùng kháng sinh.

Bị đau ngực do không khí lạnh

Một số người mẹ có cảm giác nóng rát, đau nhói khi chuẩn bị kết thúc quá trình cho bé bú. Núm vú có màu hơi trắng, sau đó chuyển sang đỏ (hoặc màu xanh) trước khi quay lại với màu sắc bình thường. Đó có thể là nguyên nhân"ti mẹ" phản ứng với không khí lạnh ngoài trời, sau khi rời môi trường ấm áp là khoang miệng của bé. Hoặc dấu hiệu này còn do miệng của bé siết chặt núm vú mẹ, gây cản trở sự lưu thông máu ở khu vực này.

Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể dùng một chiếc khăn mềm, ấm chườm lên ngực sau khi cho bé bú. Cách này giúp núm vú được xoa dịu. Nếu dấu hiệu bị đau trở nên nghiêm trọng, bạn nên trao đổi với bác sĩ.

Đau do bị ứ máu vùng ngực

Dấu hiệu là ngực của bạn trở nên cứng hơn. Vùng da xung quanh núm vú cũng trở nên khá cứng; thậm chí, bạn còn khó khăn khi đưa núm vú vào sâu trong miệng bé. Cảm giác đau sẽ xuất hiện rõ nét hơn khi núm vú mẹ chà xát vào miệng bé.

Bạn có thể dùng những chiếc gạc ấm hoặc mát, chườm bầu ngực trước khi cho bé bú. Lớp da này sẽ trở nên mềm và khiến bạn dễ chịu hơn. Hoặc bạn cũng có thể dùng gạc mát, chườm lên ngực trong hoặc sau khi cho bé bú, nếu cơn đau khiến bạn bứt rứt.

Nên đi khám, nếu cơn đau ngực không có dấu hiệu suy giảm.

Đau ngực do căng sữa

Sau sinh 2-5 ngày, phần nhiều người mẹ có cảm giác căng ngực, đi kèm những cơn đau nhẹ. Căng ngực có thể chuyển thành dạng căng sữa nếu bé không bú đủ hoặc người mẹ không tìm cách vắt sữa kịp thời. Khi đó, tuyến sữa sưng lên khiến bầu ngực của bạn có cảm giác cứng, vùng da xung quanh trở nên căng bóng, bạn có thể bị sốt nhẹ và xuất hiện cảm giác tê hoặc ngứa bàn tay.

Bạn nên cho bé bú thường xuyên, đều hai bên ngực, không nên hạn chế thời gian bú của bé. Chườm khăn (hoặc gạc) mát trước mỗi lần cho bé bú có tác dụng giảm sưng tuyến sữa. Hoặc bạn có thể dùng khăn ấm để chườm hay dùng cách massage bầu ngực bằng vòi hoa sen trong bồn tắm nước ấm.

Đồng thời, bạn dùng tay vắt sữa để giảm hiện tượng căng, tức ngực. Nếu không hiệu quả, bạn mới nên dùng máy vắt sữa vì loại dụng cụ này có thể khiến cho bầu ngực bị tím tái. Nếu ngực còn bị đau, sưng, bạn nên đi khám.

Theo Mevabe