Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Học mà không hỏi mới là giỏi ?


"Trẻ học giỏi tức là không cần phải hỏi nhiều". Quan niệm như thế đúng hay sai? Theo tôi, nó phụ thuộc vào cách giáo dục và đánh giá của thầy cô và nhà trường.

Là một giáo viên đứng lớp đã hơn 10 năm nay, tôi có một nguyên tắc nhất quán là luôn "bắt" học trò của mình phải phát biểu ý kiến. Mỗi một lần giơ tay phát biểu hay đặt câu hỏi, tôi khuyến khích trẻ bằng phiếu bé ngoan. Bằng cách giáo dục này, tôi nhận thấy trẻ trở nên mạnh dạn, tự tin hơn trong việc đứng lên phát biểu hay hỏi bất cứ vấn đề gì mà trẻ chưa biết. Hơn thế nữa, trẻ càng ngày càng tỏ ra rất hứng thú với việc đến lớp, trẻ không còn sợ hãi níu kéo mẹ hay khóc lóc mỗi khi mẹ đưa đến trường nữa.

Một đứa trẻ hay hỏi, đã là bước đầu biết trao đổi tư duy với xã hội, mà trước hết là gia đình và nhà trường. Có rất nhiều tình huống trẻ hỏi, vì trẻ đang tập nói, vì muốn thể hiện mình lớn, vì muốn gây sự chú ý... nhưng chung quy lại là do não trẻ đang phát triển và trẻ đang có nhu cầu học hỏi tìm hiểu thế giới xung quanh... Theo kinh nghiệm của tôi, những đứa trẻ hay thắc mắc và biết đặt câu hỏi là những đứa trẻ có óc quan sát, biết phân tích và rất đam mê tìm tòi. Đó là dấu hiệu của sự chủ động tìm hiểu, tiếp nhận thông tin và - nhận xét - so sánh - đánh giá vấn đề như: "Tại sao bông hoa cũng có cánh như chim mà không bay được?" hay "Tại sao con chó đen được gọi là chó mực? Còn con chó trắng thì sao? Gọi nó là con - chó - hết - mực hả mẹ?"...

Trẻ hỏi nhiều, đó là dấu hiệu của một bộ não tích cực hoạt động và học hỏi. Chúng ta đều biết hoạt động tiêu tốn nhiều năng lượng nhất là hoạt động của bộ não. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng não trẻ trong độ tuổi từ 1 đến 6 làm việc nhiều hơn cả người trưởng thành vì mỗi ngày chúng phải xử lý một lượng thông tin nhiều hơn gấp đôi. Đó là chưa kể khả năng dự trữ năng lượng của các tế bào não gần như bằng không. Thế nên, não của trẻ luôn cần một nguồn năng lượng ổn định, cao gấp 200% năng lượng so với não người lớn để quá trình học hỏi, quan sát và ghi nhớ của trẻ không bị gián đoạn. Vì vậy, điều tối quan trọng là cha mẹ cần lưu ý đến việc cung cấp cho não của trẻ một nguồn năng lượng liên tục và ổn định để giúp trẻ tích cực hơn nữa trong việc quan sát, tư duy, ghi nhớ và học hỏi từ cuộc sống xung quanh. Có được nguồn năng lượng ổn định này rồi, các phương pháp giáo dục đúng đắn, khuyến khích trẻ phát huy tính chủ động và mạnh dạn trong học tập sẽ giúp trẻ quan sát tốt hơn, học hỏi nhiều hơn và trở nên thông minh, nhanh trí hơn.

Tóm lại, theo quan điểm của tôi, trong quá trình học tập và tìm hiểu cuộc sống, trẻ hỏi nhiều là một dấu hiệu tốt của não bộ đang phát triển và làm việc tích cực. Đảm bảo một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho não trẻ cũng cần được cha mẹ và nhà trường quan tâm một cách đúng đắn và đầy đủ.

PGS - TS Nguyễn Công Khanh(Đại học Sư phạm Hà Nội - chuyên gia Tâm lý trẻ em trường Mầm non Hoàng Gia)
Theo Thanh Niên