Trẻ nhỏ mỗi nước có một nhu cầu dinh dưỡng riêng Trẻ nhỏ mỗi quốc gia có một thực đơn, chế độ ăn khác nhau phụ thuộc vào điều kiện địa lý, thói quen và tập quán. Chẳng hạn, về nhu cầu chất béo, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên năng lượng do lipid (mỡ) tạo ra so với tổng số năng lượng mỗi ngày nên vào khoảng 20 - 25% tùy theo ở vùng khí hậu nóng, rét và không nên vượt quá 30%. Tuy nhiên, ở nước ta, năng lượng do lipid trước mắt chỉ đạt dưới khoảng 10 -12% tổng số năng lượng vì khí hậu Việt Nam nóng, không có thói quen ăn nhiều chất béo. Vì vậy, không thể đánh đồng nhu cầu dinh dưỡng của những trẻ em ở các nước "xứ lạnh" như Mỹ, châu Âu với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2007, 33,9% số trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Khoảng 30% trẻ bị thiếu kẽm, 34% thiếu sắt. Ngoài ra, theo khảo sát về thói quen và chế độ ăn uống hàng ngày của 330 trẻ nhỏ Việt Nam từ 4 - 12 tháng tuổi cho thấy, nhiều trẻ đang có nguy cơ bị thiếu một số vi chất quan trọng như: Sắt, kẽm, i- ốt và vitamin A. Một trong 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý cho người Việt Nam mà Viện Dinh dưỡng và Bộ Y tế đưa ra là sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa phù hợp với mỗi lứa tuổi. Tuy nhiên, tình hình hiện nay nhiều bà mẹ có xu hướng chạy theo các loại sữa đắt tiền mà không cân nhắc đến nhu cầu dinh dưỡng của con mình. Trong khi có một thực tế là các loại sữa nhập khẩu thường chú trọng bổ sung các chất như DHA, ARA... hơn là những vi chất mà trẻ em Việt Nam thường thiếu. Đắt tiền chưa hẳn đã tốt "Đó chỉ là tâm lý "tiền nào của đó" do một số bà mẹ tự đặt ra chứ chưa có một cơ sở khoa học nào" - bác sĩ, Thạc sĩ Đào Thị Yến Phi (chuyên gia dinh dưỡng, giảng viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP HCM) cho biết - "Một công thức sữa được gọi là tối ưu nếu như nó đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng đặc thù này. Trong thực tế, có những trẻ được nuôi dưỡng với một chế độ dinh dưỡng rất đắt tiền, nhưng vẫn suy dinh dưỡng, chậm phát triển thể chất, trong khi rất nhiều trẻ được nuôi dưỡng với một khẩu phần tiết kiệm hơn, nhưng phù hợp với nhu cầu cơ bản, trẻ vẫn phát triển hoàn toàn tốt cả về thể chất lẫn trí tuệ". Trên tinh thần so sánh thành phần dinh dưỡng, các chuyên gia dinh dưỡng đều nhận định: "Chất lượng sữa nội và chất lượng sữa đắt tiền đều như nhau". PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Giám đốc Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng từng khuyến cáo không nhất thiết phải dùng sữa nhập đắt tiền mới là tốt cho trẻ, mà nên dùng loại sữa phù hợp với khẩu vị của trẻ và phù hợp với khả năng tài chính của gia đình. Kết quả nghiên cứu khoa học lâm sàng do Viện Dinh dưỡng thực hiện gần đây đã khẳng định điều này. "Kết quả nghiên cứu khoa học lâm sàng mà Viện Dinh dưỡng thực hiện gần đây càng khẳng định công thức sữa tối ưu cho trẻ em Việt Nam là phải đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng đặc thù của trẻ" - Chuyên gia dinh dưỡng Đào Thị Yến Phi kết luận. Và vì thế, sữa ngoại đắt tiền chưa hẳn là tốt vì nó đáp ứng cho nhu cầu dinh dưỡng đặc thù của nhóm trẻ ở nước khác, chứ không phải ở Việt Nam. Theo Giadinh.net |