Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Vài nét về Giáo dục mầm non Nhật Bản


VÀI NÉT VỀ GIÁO DỤC MẦM NON NHẬT BẢN

TS. Minoura Yasuko - đại học Ochanomizu

1. Hai hệ thống Giáo dục Mầm non Nhật Bản rất cần có một sự hợp nhất.
Giáo dục bắt buộc ở Nhật bắt đầu từ 6 tuổi, khoảng 95% trẻ đã tham gia hệ thống giáo dục trước tuổi học ít nhất 2 năm, những chọn lựa học gồm: Trung tâm chăm sóc trẻ cả ngày (hoikuen) phục vụ nhu cầu của các phụ huynh bận đi làm và trường mẫu giáo bán trú (yochien). Số tuần học tối thiểu ở yochien là 39 tuần/ năm và số giờ học chuẩn là 4 giờ/ ngày; trong khi đó hoikuen cung cấp dịch vụ này quanh năm, trừ ngày Chủ nhật, số giờ chuẩn là 8h/ ngày. Khi mà yochien (trường mẫu giáo) đã được Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ công nhận là một bộ phận của hệ thống giáo dục, thì hoikuen (trung tâm chăm sóc trẻ cả ngày) lại thuộc quản lý của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội.

Yochien và hoikuen đã ra đời để phục vụ hai tầng lớp xã hội khác nhau. Hoikuen được thành lập vào thời điểm 1900 với tư cách là nơi chăm sóc những trẻ em nghèo khổ. Thực chất của hoikuen là cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (những trẻ không được hưởng sự chăm sóc này từ gia đình) nhưng đã có một thay đổi lớn vào thời điểm tăng trưởng kinh tế phi mã trong nửa cuối những năm 1960 và những năm 1970. Vào thời điểm 1969, 85,2% số trẻ 5 tuổi đã nhận được sự giáo dục và chăm sóc tại trường mẫu giáo hoặc trung tâm chăm sóc cả ngày (52% ở trường mẫu giáo và 33% ở trung tâm chăm sóc cả ngày). Khi số lượng phụ nữ đi làm tăng và mô hình gia đình Nhật Bản đã chuyển từ gia đình mở rộng sang gia đình hạt nhân trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế, hình ảnh không tích cực trước kia gắn liền với trung tâm chăm sóc cả ngày đã bị xóa bỏ. Hoikuen ngày nay đã phục vụ mọi tầng lớp xã hội.

Yochien đầu tiên ở Nhật được thành lập vào năm 1870 và làm chi nhánh của trường Nữ sinh Tokyo (hiện nay là đại học Ochanomizu). Trường này đựoc sử dụng làm mẫu cho các trường mẫu giáo khác trong nhiều khu vực khác nhau ở Nhật Bản. Ban đầu, yochien đã được tầng lớp trên trung lưu hỗ trợ là nơi chuẩn bị cho trẻ trước khi vào học tiểu học. Mặc dù giáo dục ở yochien không bắt buộc về việc cho trẻ tham gia là hoàn toàn tùy thuộc vào phụ huynh, nhưng yochien đã nhanh chóng trở nên phổ biến vào những năm 1960. Tỷ lệ tham gia học của trẻ 5 tuổi đã đạt con số 53,7% vào năm 1970. Tuy vậy, khi tỉ lệ sinh của Nhật giảm thì số học sinh của yochien đã giảm xuống, điều này dẫn tới những khó khăn về tài chính cho những người quản lý yochien. Để thu hút học sinh, các nhà quản lý của các trường yochien tư đã đưa ra nhiều chương trình mới như: chương trình đặc biệt về Toán học, Anh văn, ăn trưa ở trường, các dịch vụ chăm sóc thêm sau 4 giờ học. Bằng việc chấp nhận nhiều chức năng chăm sóc, nhiều yochien đã trở nên gần gũi hơn với hoikuen.

Vào năm 2005, xấp xỉ 58% trẻ 5 tuổi đăng ký học tại yochien; trong khi số trẻ tham gia hoikuen là 42%. 20% số trẻ tham gia yochien công, trong khi 80% còn lại học tư.

Yochien và hoikuen được điều hành bởi cá nhân hoặc một nhóm người như các giáo phái Thiên Chúa, Tin lành, Phật giáo, các tổ chức phi tôn giáo và các đơn vị công như chính quyền địa phương, quận và quốc gia. Vào năm 2003, khoảng 56% hoikuen là hoikuen công; và 44% là tư; Trong khi đó 40% yochien là công. Bên cạnh đó, bất kỳ trường đại học nào có khoa Giáo dục Mầm non cũng đều phải có yochien gắn liền với việc giảng dạy sinh viên. Chính phủ Nhật đã cung cấp những khoản trợ cấp cho giáo dục trước tuổi học. Triết lý giáo dục cũng rất đa dạng: Các trường theo quan điểm của Montessori, Dewey và Froebel cùng chung thị trường với các trường sư phạm đã tồn tại hang thế kỷ nay, họ tập trung vào mọi chủ điểm, từ giáo dục âm nhạc mầm non đến các hoạt động sôi nổi chân phương ngoài trời. Vào năm 2003, giá cả trung bình (cả học phí và lệ phí nhập học, trừ tiền ăn) để cho một trẻ đến yochien tư là khoảng 280.000 yên; trong khi giá ở yochien công là 75.000 yên. Học phí tại trung tâm chăm sóc ngày nay đã được điều chỉnh theo thu nhập hộ gia đình, mặc dù điều này không thể áp dụng với học phí của yochien.

Kích thước lớp học và kiến trúc các cơ sở vật chất cơ bản (như lượng không gian sàn và không gian sân chơi/1 trẻ cũng như các phương tiện giáo dục tối thiểu được quy định theo luật. Tất cả các yochien có giấy phép đều phải có các phòng học trong nhà, không gian chơi ngoài trời, một phòng giáo viên, cầu trượt, sân khấu, chỗ chơi với cát, đàn piano hoặc organ, các nhạc cụ đơn giản, máy ghi âm, các khối chơi xây dựng, các đồ cho động vật ăn, để vẽ và thủ công.

2. Các đặc trưng của chương trình giáo dục trước tuổi học ở Nhật Bản.
a. Tầm quan trọng của sự tự quyết của giáo viên:
Các quy định của chính phủ về phương pháp và nội dung giáo dục trước tuổi học được giới hạn thiết kế, nên những chỉ dẫn có tính cơ bản (xem Chuẩn quốc gia về chương trình Mẫu giáo), trong khi việc hiện thực hóa hướng dẫn này lại phụ thuộc vào cá nhân từng trường mẫu giáo, cá nhân từng giáo viên, điều này không giống với các giáo viên Việt Nam, giáo viên Việt Nam tiến hành các hoạt động trung thành với những gì chính phủ đã quy định chi tiết cụ thể. Các giáo viên trước tuổi học ở Nhật tham gia trực tiếp vào giáo dục trẻ, họ có quyền tự quyết rất lớn về cách dạy và nội dung dạy.

b. Hoạt động chơi tự do là trung tâm (xem chi tiết tại bài trình bày của TS. Uchida)
Mục 1 trong các hướng dẫn về giáo dục trước tuổi học, nói rõ ràng rằng: tất cả mục đích của giáo dục trước tuổi học có thể đạt được trọn vẹn thông qua giáo dục lấy hoạt động chơi làm trung tâm, bởi vì hoạt động tự nhiên của trẻ - hoạt động chơi của chúng sẽ giúp cung cấp những hiểu biết cần thiết cho sự tăng trưởng cân đối của thể chất và trí tuệ. Theo một nghiên cứu ở 15 trường mầm non Nhật Bản, những trẻ 5 tuổi sử dụng một nửa thời gian của mình để chơi tự do, và một nửa thời gian tham gia các hoạt động với cả lớp (Lewis, 1995). Chơi tự do nghĩa là trẻ được hoàn toàn tự do chọn lựa cái mình làm; trẻ không phải chọn giữa một tập hợp hạn chế các hoạt động do giáo viên thiết kế nên. Quan điểm này trái ngược hoàn toàn với quan điểm của Việt Nam. Trẻ mầm non Nhật Bản sử dụng những khoảng thời gian dài để tham gia các hoạt động ồn ào, chủ động tự do với giáo viên ở sân chơi, trong khi đó trẻ mầm non Việt Nam lại phải dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động theo chế độ và kỷ luật do giáo viên Việt Nam tổ chức.

c. Giáo án có liên quan với các chuẩn chương trình.
Chương trình của yochien theo "Chuẩn quốc gia về chương trình Mẫu giáo", trong khi hoikuen theo "Các nguyên tắc chăm sóc trẻ nhỏ tại các trung tâm chăm sóc ngày". Mặc dù cơ sở pháp lý khác nhau nhưng yochien và hoikuen đều sử dụng chương trình cơ bản và các cách tiếp cận giống nhau (mặc dù hoikuen có thời gian nuôi dạy dài hơn và có thể xếp trẻ vào các nhóm không cùng độ tuổi). Có 5 lĩnh vực giáo dục cho trẻ trên 3 tuổi nói chung cho cả yochien và hoikuen: Sức khỏe, quan hệ người - người, môi trường, ngôn ngữ và nghệ thuật (Xem chi tiết tại Chuẩn quốc gia về chương trình Mẫu giáo sửa đổi và có hiệu lực từ ngày 1.4.2000). Không nên coi 5 lĩnh vực trên như những môn học tại trường. Việc lên lớp tập trung vào các hoạt động chơi chỉ lấy 5 lĩnh vực này như một cách quan sát sự phát triển của trẻ. Những tài liệu pháp lý này chỉ cung cấp những hướng dẫn đại thể.

Chuẩn chương trình nêu rõ rằng giáo án được làm ra để đảm bảo mọi trẻ đều có được những kinh nghiệm cần thiết nhờ tham gia các hoạt động hàng ngày phù hợp với giai đoạn trước tuổi học. Các giáo viên nên xem xét cách trẻ chơi và các hoạt động khác tiến triển, sau đó xác định các mục tiêu và hoạt động cụ thể. Môi trường được thiết kế để mang lại các mục tiêu và sự trợ giúp của giáo viên được đưa ra bằng cách dự đoán cách trẻ sẽ phát triển như thế nào. Quá trình xem xét và chỉnh sửa giáo án theo những phản ứng của trẻ là cực kỳ quan trọng để cải thiện các thực hành về chăm sóc trẻ (trang 40 Lịch sử Giáo dục Mầm non Nhật Bản, 2006)

3. Đào tạo giáo viên Mầm non.
Các giáo viên mẫu giáo (yochien) phải được cấp chứng chỉ theo một trong 3 chuẩn mà chính phủ đã thông qua. Những giáo viên (đã tốt nghiệp cấp 3 và được đào tạo 2 năm ở một trường hướng nghiệp hoặc cao đẳng) được cấp chứng chỉ loại 2. Những giáo viên đã hoàn thành khóa học 4 năm tại một trường đại học được cấp chứng chỉ loại 1. Giáo sư Shibayam sẽ làm rõ những khác biệt về chương trình cao đẳng và chương trình 4 năm tại đại học phụ nữ Kamakura. Giáo viên đã tốt nghiệp ở trường này có thể được nhận "chứng chỉ cao cấp" sau khi đã hoàn tất chương trình thạc sỹ. Những giáo viên có các loại chứng chỉ khác nhau thường được hưởng những ưu đãi về lương và các khoản trợ cấp khác. Trong khi hầu hết các giáo viên đã có chứng chỉ loại 2 trước đây thì số người có chứng chỉ loại 1 đang tăng dần, chiếm khoảng 50% tổng số. vì thế các giáo viên yochien được đào tạo tương đối cao từ những người được đào tạo 2 năm sau khi tốt nghiệp cấp 3 tới những người đã có bằng thạc sĩ (xem trang 4. Giáo dục Mầm non). Cho dù sau Đại chiến II, cả nam và nữ đều được cho phép nhận chứng chỉ yochien, nhưng hiện nay hơn 90% số người có chứng chỉ yochien là nữ giới.

Có 2 cách để trở thành giáo viên hoikuen: 1) Đã qua đào tạo ở một trường hướng nghiệp hoặc cao đẳng, đã được bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi công nhận; 2) Phải vượt qua kỳ thi lấy chứng chỉ hoikuen. Hiện tại 90% giáo viên nhà trẻ đạt được chứng chỉ qua các cơ sở đào tạo đã được công nhận, vào năm 2001 số lượng của các cơ sở này là 359. Các cơ sở được công nhận gồm 56 trường đại học đào tạo 4 năm, 222 trường cao đẳng và 66 trường hướng nghiệp. Các trường cao đẳng là nơi đầu tiên học của các giáo viên hoikuen. Đa số các cơ sở này có chương trình cho sinh viên có thể nhận được chứng chỉ yochien kết hợp với hoikuen. Đây là điều tương đối khác biệt giữa Nhật Bản và Việt Nam (nơi có hệ thống cấp bằng không linh động, theo đó một chương trình đào tạo phù hợp với một loại chứng chỉ). Tiến sỹ Shibayama sẽ giải thích các chương trình ở trường mình, những chương trình này cho phép sinh viên có thể nhận 2 hoặc đôi khi là 3 loại chứng chỉ khác nhau.

Về mặt lịch sử, yochien và hoikuen đã từng tồn tại như các hệ thống riêng biệt để đảm nhận những chức năng và mục đích khác nhau. Điều này thể hiện ở việc hoikuen đang được quản lý bởi Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, bởi vì hoikuen trước đây vẫn được coi là cơ sở phúc lợi của trẻ; trong khi đó yochien đã là một trường học dưới sự quản lý của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ. Tình hình giáo dục Mầm non đã có nhiều thay đổi theo thời gian, mặc dù chưa có sự hợp nhất ở cấp Bộ, nhưng số lượng các cơ sở kết hợp hoikuen với yochien đã tăng.

4. Lương cho giáo viên mẫu giáo và giáo viên nhà trẻ ở Nhật Bản.
Số liệu sau đây được thu thập từ thông báo tuyển nhân viên mới năm 2008 đã được gửi xuống các trường có liên quan. Lương của một giáo viên trường mẫu giáo và nhà trẻ tư ở các cơ sở khác nhau thì khác nhau rất nhiều. Để tham khảo, chúng ta biết rằng lương khởi điểm trung bình cho một người mới tốt nghiệp đại học vào năm 2008 của 217 công ty niêm yết trên thị trường chứng khóan Tokyo là 202.410 yên (Báo Asahi, ngày 21 tháng 4 năm 2007). Lương được thông báo không kèm nhiều khoản trợ cấp khác như: đi lại nhà ở, tiền thưởng (20.000 yên tương đương 26.600.000 VND).

Một trong những lý do cho việc giáo viên mẫu giáo lại có lương cao hơn giáo viên nhà trẻ nằm ở chỗ giáo viên mẫu giáo thuộc hệ thống trường học hợp pháp theo Luật về Bằng cấp của Công chức Giáo dục và Luật bảo đảm Công chức giáo dục giống với giáo viên cấp 1 và 2; trong khi đó, chứng chỉ quốc gia cho giáo viên nhà trẻ được cấp lần đầu tiên vào năm 2003. Về mặt lịch sử mà nói, các chứng chỉ của giáo viên nhà trẻ linh động hơn và dao động phụ thuộc vào thời kỳ và khu vực.

Ngọc Mai mamnon.com