Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đừng nói 'không' với bé


Khi chập chững biết đi, bé rất thích được chọn lựa. Vì thế, khi con hỏi xin một điều gì đó, thay vì nói "không" một cách thẳng thừng bạn hãy đưa ra những lựa chọn thay thế khác.

Bạn hãy có cách ứng xử tích cực hơn với trẻ đang chập chững biết đi, thay vì chỉ nói "Dừng lại!", "Không", "Con đừng làm thế". Điều đó sẽ khiến mối quan hệ giữa bạn và bé ngày càng tốt.

Phải nghe những lời không tích cực mà cha mẹ nói có thể khiến trẻ bị tổn thương. Vậy bạn hãy cố gắng giữ một thái độ tích cực dù là trong tình huống nào. Sau đây là một vài gợi ý giúp bạn:

1. Tạo khoảng không gian riêng để trẻ khám phá
Bạn hãy cho phép bé tự tìm hiểu trong một khu vực nhất định, nơi bé sẽ không bị thương hoặc làm hỏng đồ vật. Đó không nhất thiết phải là một phòng chơi thật lớn. Chỉ cần một khoảng trống trên tấm thảm mềm, nơi bé có thể chơi đồ chơi một cách thoải mái. Bạn cũng có thể sơn một phía tường màu đen để bé có thể vẽ bằng phấn, hoặc tạo một khung trên tường để bé vẽ.

2. Làm trẻ sao lãng và chế ngự bé
Nếu bé dùng đồ chơi để đập lên cửa kính, bạn hãy đưa cho con một cái búa đồ chơi và những khối hình hoặc chậu và xoong chảo để bé đập lên.

3. Đưa ra những sự lựa chọn khác
Khi đang chập chững biết đi, bé thích được lựa chọn, điều đó khiến bé tự tin hơn. Vì thế, khi con hỏi xin một điều gì đó, thay vì nói "không" một cách thẳng thừng bạn hãy đưa cho những lựa chọn thay thế khác phù hợp.

4. Can thiệp sớm
Bạn đừng phớt lờ trẻ và hy vọng rằng đến lúc chán bé sẽ tự dừng trò đó lại. Thực tế là bé sẽ không làm, vì thế bạn nên can thiệp sớm để bé không tiếp tục làm điều không nên.

5. Bạn không nên tán dương cách cư xử không tốt của bé
Sự chú ý của bạn là một phần thưởng có hiệu quả với trẻ. Bạn hãy tránh chú ý đến con khi bé làm một điều gì đó mà bạn không thích. Nếu bạn đã yêu cầu bé ngừng việc làm đó lại nhưng bé vẫn tiếp tục thì bạn hãy tránh xa chỗ trẻ.

6. Kiên nhẫn
Để bé học được điều gì đúng và sai bạn sẽ phải tốn thời gian với bé. Điều quan trọng là phải kiên nhẫn, và không được nổi nóng.

7. Chú ý sự tiến bộ của bé
Bạn hãy nói để trẻ biết những khi bé làm điều đúng, chẳng hạn như việc không chạm vào đồ vật nào đó khi mà bạn đã yêu cầu bé không làm.

8. Kiên định
Bạn hãy xây dựng cho trẻ một thói quen cố định, điều này sẽ khiến trẻ biết được trong ngày hôm đó mình sẽ làm gì và cảm thấy được an toàn. Hãy áp dụng một số quy tắc đơn giản. Bé sẽ cư xử tốt hơn với những lời hướng dẫn rõ ràng.

Theo VnExpress