Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mất cân bằng giới tính đã trở thành vấn đề" nóng" hay chưa?


Không một quốc gia hay một cộng đồng dân cư nào có thể tạo được sự cân bằng giới tuyệt đối trong cấu trúc dân số, tức là số nam và số nữ hoàn toàn bằng nhau theo khái niệm số học.

Nhưng một sự cân bằng giới (hiểu theo nghĩa tương đối) là cực kỳ cần thiết, không phải chỉ để đảm bảo sự hài hòa âm dương theo quan niệm truyền thống của phương Đông mà, quan trọng hơn, là để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững ở một quốc gia. Nói cách khác, khi một quốc gia có cấu trúc dân số bị mất cân bằng nghiêm trọng về giới, quốc gia đó chắc chắn sẽ phải đối phó với hàng loạt vấn đề đặt ra với những hệ lụy không lường trước được, kể cả nguy cơ phá vỡ sự ổn định xã hội.. Trên thực tế, đã có không ít quốc gia đang phải đối phó với tình trạng mất cân bằng giới tính.

Khi Campuchia mới được giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt, một người phụ nữ nước này đã nói với đại diện một số tổ chức viện trợ quốc tế tại Phnôm Pênh rằng "các ông hãy viện trợ cho chúng tôi đàn ông thay vì tiền và hàng cứu trợ". Câu nói tưởng như khôi hài này bật ra cùng với những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ của người phụ nữ không phải để cảnh báo về tình trạng mất cân bằng giới ở Campuchia khi đó - dù đó là một thực tế - mà là nhằm tố cáo tội ác diệt chủng với qúa nhiều đàn ông Campuchia bị giết hại dưới thời Pôn Pốt.

Sự mất cân bằng giới, về mặt lý thuyết, có hai dạng: số nữ nhiều hơn số nam hoặc ngược lại. Tuy nhiên, phần lớn, nếu không nói là tất cả, các trường hợp mất cấn bằng giới hiện nay trên thế giới đều rơi vào trường hợp thứ hai, tức là số nam qúa nhiều so với số nữ. Tình trạng mất cân bằng giới thường bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau (giữa nam và nữ) như tỷ số giới tính khi sinh, điều kiện sinh sống và lao động, phong tục tập quán, tuổi thọ trung bình..., trong đó tỉ số giới tính khi sinh (được thể hiện bằng số lượng bé trai sơ sinh trên 100 bé gái sơ sinh) là yếu tố mang tính căn nguyên quyết định tình trạng cân bằng hay mất cân bằng giới trong một cấu trúc dân số. Ở những quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ, nơi đang phải đối phó với tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng về giới tính ở trẻ sơ sinh thì tỉ số này là 120/100 (tỉ số bình thường là từ 103 đến 107/100).

Chính mong muốn có con trai đã làm lệch tỉ số giới tính trẻ sơ sinh như nêu trên và nếu không có các biện pháp hữu hiệu để sớm lấy lại cân bằng (tương đối) cho tỉ số này thì nguy cơ mất ổn định xã hội và hàng loạt hệ luỵ khó lường khác là nhãn tiền. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng tỉ lệ tội phạm, nhu cầu sách báo khiêu dâm và kết hôn trái phép gia tăng sẽ là những hậu quả của sự mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc. Thậm chí "một tương lai không vợ" của hàng chục triệu đàn ông Trung Quốc sẽ trở thành sự thật nếu không giải quyết được tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng hiện nay và "khủng hoảng hôn nhân sẽ tác động to lớn tới kết cấu gia đình, đạo đức xã hội và phát triển kinh tế'' như nhận xét của một quan chức Hiệp hội Dân số Trung Quốc.

Ở nước ta, theo kết quả điều tra về các vấn đề nóng của dân số Việt Nam do Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) thực hiện, năm 2007 cứ 112 bé trai ra đời mới có 100 bé gái được sinh ra, cao hơn năm 2006. Đáng chú ý, năm 2007 có tới 35 tỉnh có tỷ lệ giới tính khi sinh là 110 bé trai/100 bé gái trở lên, trong khi đó năm 2006 số tỉnh như vậy mới là 19.

Khi tỉ lệ giới tính trai-gái ở mức 106/100 các chuyên gia về dân số đã bắt đầu lo ngại. Tuy nhiên khi đạt đến mức 110/100, thì vấn đề đã đến mức báo động vì những tác hại tiềm ẩn về lâu dài. Số lượng bé trai ở nhiều vùng tại Việt Nam đã vượt số lượng bé gái đến 20%. Hậu quả của tình trạng chênh lệch giới tính trẻ sơ sinh chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường khác mà Trung Quốc đang là một bài học lớn.

Cũng giống như ở Trung Quốc, chính mong muốn có con trai đã làm lệch tỉ số giới tính của trẻ sơ sinh. Quan niệm trọng nam của những bậc làm cha, mẹ là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tư tưởng trọng nam khinh nữ trong xã hội Việt Nam vẫn còn nặng nề. Cơn khát phải có được con trai để "nối dõi tông đường" vẫn có sức chi phối mạnh trong xã hội truyền thống nước ta. Vì thế nhiều gia đình đã bằng mọi giá để có con trai. Trong khi đó, công nghệ chẩn đoán hiện đại (siêu âm) lại giúp cho họ thực hiện ước muốn của mình cho dù việc lựa chọn giới tính thai nhi bị ngành y tế nghiêm cấm (người ta vẫn vi phạm lệnh cấm này vì một bên "qúa khát" con trai còn bên kia lại bị ma lực của đồng tiền làm mờ mắt).

Tại cuộc hội thảo "Xây dựng đề án can thiệp các yếu tố ảnh hưởng giới tính khi sinh" do Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam tổ chức cuối tháng 12 năm 2008, người ta cũng đã đề cập đến tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh mà Việt Nam đang phải đối mặt. Có ý kiến cho rằng hiện chưa thấy rõ tác động đến phân bổ dân số và cấu trúc tuổi, nhưng sau năm 2015 tình trạng dư thừa nam giới ở nước ta sẽ ảnh hưởng đến một nhóm dân số trong độ tuổi kết hôn.

Tại hội thảo, PGS. TS Nguyễn Đình Cử, Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội khẳng định: Tỷ số giới tính của trẻ sơ sinh ở nước ta vào loại khá cao, trên mức bình thường và đã có sự lựa chọn của cha mẹ, sự can thiệp của tư vấn và kỹ thuật để sinh được con trai. Điều này có thể dẫn tới sự thiếu hụt nữ thanh niên trong tương lai. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mất cân bằng giới tính của trẻ sơ sinh đó là sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, đặc biệt là siêu âm có thể chẩn đoán từ sớm giới tính thai nhi và phá thai nếu giới tính của đứa con tương lai không đáp ứng được mong muốn của cha mẹ. Ở Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ biết giới tính thai nhi trước khi sinh rất cao và ngày càng tăng: năm 2003- 2004 là 61% và năm 2005- 2006 tăng lên đến 66%.

Trước thực trạng trên, để thực hiện có hiệu quả quy định nghiêm cấm xác định giới tính thai nhi và loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính, GS.TS Nguyễn Đức Vy, Chủ tịch Hội Sản phụ khoa Việt Nam đã kiến nghị 5 giải pháp, đó là đẩy mạnh KHHGĐ thực sự chỉ có 2 con; nên dùng biện pháp tránh thai tạm thời là đình sản (kỹ thuật đúng, dễ hồi phục pomeroy) vì là phương pháp có hồi phục (nối lại 2 vòi trứng tỷ lệ thành công cao từ 75- 85%); nghiêm cấm mọi hành vi siêu âm để chẩn đoán giới tính cho thai phụ (chồng, thân nhân thai phu yêu cầu) khi không có chỉ định của bác sỹ sản khoa với thai 12 tuần trở lên; cấm phá thai từ 12 tuần khi không phải thai bất bình thường trừ các trường hợp đặc biệt và có hình thức xử lý, giám sát như: đình chỉ, cấm hành nghề tùy mức độ vi phạm và tái phạm.

Không phải chỉ ở Trung Quốc, Ấn Độ hay Pa-kít-xtan mà chính ngay tại Việt Nam ta, tình trạng mất cấn bằng giới tính khi sinh đã ở mức báo động, trở thành vấn đề cả xã hội phải quan tâm. Trách nhiệm này không của riêng ai. Nếu không có các biện pháp nhằm sớm lấy lại sự cân bằng giới tính khi sinh thì ẩn họa là khôn lường.

Theo TTXVN