Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thay đổi "hormone giận dỗi" khi mang bầu


Sau một lần chồng lỡ hẹn, không kịp đưa đón, Hồng đã đòi 'ly thân thử nghiệm'.

Hôm đó, vợ chồng Hồng - Hùng lên lịch, đúng 5h, chồng sẽ chở vợ đi siêu âm. Nhưng vì mải việc nên Hùng đã để vợ ngồi chờ ở cơ quan "chán chê thì thôi". Hồng gọi đó là hành động "ngược đãi người mang thai" và đùng đùng bỏ về nhà ngoại...

Nghĩ vợ đang dỗi nên Hùng có ý muốn để Hồng ở lại bên ngoại, với hy vọng tinh thần Hồng khuây khỏa rồi sẽ sang đón vợ về. Thế nhưng, ngay tối hôm ấy, Hùng nhận được cái tin ngắn ngủn của vợ trong máy di động: "9h qua đón em ở quán nước đầu ngõ, gần bên nhà ngoại ấy". Khổ nỗi, Hùng mải xem tivi nên đến lúc anh mở máy thì đồng hồ cũng báo 9h30. Anh tức tốc dắt xe, "phóng như bay" ra chỗ hẹn nhưng không thấy vợ đâu.

"Lúc xuất hiện trước cổng nhà vợ, tôi lại bị bố mẹ vợ mắng vì tội ích kỷ, bỏ mặc vợ bụng mang dạ chửa. Sau đó, vợ tôi nhất định không chịu về nhà nữa" - Hùng kể.

Thắng (Mai Dịch, Hà Nội) còn khổ hơn vì vợ dỗi mẹ chồng nhưng lại lây sang mình. "Cô ấy lười uống được sữa, mẹ tôi có hơi nặng lời, thế là dỗi. Trước, tôi chịu khó pha sữa rồi nịnh nọt thì cô ấy uống cho 'mấy giọt'; bây giờ thì nhất định không uống nữa để "sinh ra cháu nội còi cọc, cho bà biết tay!" - Thắng chán nản kể lại.

Long (Thanh Hóa) cũng đang trong thời kỳ "chiến tranh" với vợ. "Nhà tôi có ý định thay mới đồ nội thất nhưng nghĩ vợ mệt vì nghén nên tôi không gọi cô ấy tham gia. Cuối cùng, cô ấy lại hiểu nhầm là mình bị nhà chồng coi thường, sao cả nhà tụ tập ăn uống vui vẻ lại không cho cô ấy góp mặt; sao lúc rửa bát, quét nhà thì mọi người cứ réo tên cô ấy liên hồi... Nhiều thứ khác, vợ tôi cũng tự suy diễn nữa" - Long cho biết. Sau lần ấy, không ít lần vợ Long đòi được về nhà ngoại để dưỡng thai và lo chuyện sinh nở.

Thay đổi tâm lý khi mang thai

Những xáo trộn hormone trong thời kỳ thai nghén thường khiến chị em dễ cáu bẳn, nổi nóng và hay xúc động hơn. Những lỗi "nhỏ xíu" từ chồng hoặc từ nhà chồng có thể được chị em "thổi phồng" lên quá mức cần thiết.

Sự cảm thông và tình yêu dành cho chồng cũng không còn nhiều như trước, vì người vợ đã chuyển toàn bộ tâm trí, sức lực để lo lắng cho em bé trong bụng. Điều này lý giải vì sao, khi mang thai, người vợ có thể nghĩ rằng mình là "trung tâm" của gia đình và phải được hưởng những gì tốt đẹp nhất. Dù có xảy ra cãi vã, người vợ cũng muốn chồng mình phải xuống nước làm lành trước.

Tâm lý "vỡ mộng" cũng gây ức chế cho người vợ, nhất là những người mới mang thai lần đầu. Nguyên nhân là vì, chị em cho rằng, phụ nữ được mang thai sẽ được chồng quan tâm và chiều chuộng nhiều hơn. Khi hành vi và tình cảm của chồng không như những gì người vợ mong đợi thì người vợ có thể bị thất vọng, suy sụp hoặc cố tình gây mâu thuẫn với chồng.

Một số phụ nữ phải đối mặt với chứng phiền muộn hoặc trầm cảm khi mang thai. Nếu không biết cách cân bằng, duy trì cảm xúc, người vợ có thể xuất hiện tâm lý chán nản, tiêu cực và dẫn tới những ảnh hưởng không tốt trong quan hệ vợ chồng.

Để khắc phục tình trạng "trái tính, trái nết" khi mang bầu:

- Bản thân người vợ nên kiểm soát sự thay đổi cảm xúc của mình.

- Người vợ nên hiểu rằng, giữ tâm trạng thoải mái sẽ tốt cho sức khỏe bản thân và em bé. Như thế hơn là nước mắt và sự mệt mỏi của giận hờn.

- Nếu có gì khúc mắc, người vợ nên trao đổi ngay với chồng, tránh tự suy diễn: "Mình đang mang thai mà chẳng ai thèm quan tâm".

theo Mẹ và bé