Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giữ vững tinh thần cho trẻ


Trong giai đoạn khó khăn, nhiều gia đình phải chịu tổn thất không chỉ về vật chất mà còn cả tinh thần. Đây là thời kỳ đặc biệt khó khăn với những trẻ đến tuổi cắp sách đến trường, chưa hiểu thấu được tình hình. Vì thế, người lớn phải giúp các em can đảm, đương đầu và vượt qua khó khăn.

Kiềm chế nỗi sợ hãi và an ủi trẻ
Trẻ em thường phản ứng theo mức độ sợ hãi và lo lắng ở người lớn. Điều quan trọng là bạn nên thường xuyên vỗ về và an ủi con rằng, bạn sẽ luôn đảm bảo an toàn cho con. Hãy cùng con đi dạo, vui chơi và ôm ấp chúng nhiều hơn.

Lắng nghe con trẻ
Con bạn thường biểu lộ cảm xúc qua hành động hơn là lời nói. Sợ hãi, mất mát, giận dữ thường là những phản ứng của trẻ trong thời kỳ căng thẳng. Mỗi trẻ có cách biểu lộ khác nhau, bạn nên kiên nhẫn, hiểu biết và an ủi con.

Cố gắng giữ nếp sống hàng ngày
Trẻ em chỉ thấy an toàn với một cuộc sống ổn định. Vì thế nên gắng giữ vững giờ giấc và thói quen hàng ngày để trẻ luôn vững tâm.

Khuyến khích hoạt động tích cực ở trẻ
Khuyến khích trẻ hoạt động để giảm căng thẳng. Bạn có thể đề nghị con viết truyện hoặc vẽ tranh về thế giới chung quanh, chơi đất sét, đọc truyện hay múa hát... Hãy để trẻ lựa chọn những hoạt động mình yêu thích để giúp trẻ duy trì sự tự chủ và thoải mái.

Liên lạc với những người chung quanh
Trẻ không những cần sự quan tâm và tình cảm của những người thân trong nhà, mà còn ở bạn bè, họ hàng và láng giềng. Vì thế, bạn nên cho trẻ thăm viếng, điện thoại và viết thư cho những người chung quanh nhiều hơn trong thời điểm này.

Khi nào cần đến chuyên gia tư vấn?
Khi cha mẹ hoặc người thân gặp sự cố nguy kịch, bạn nên tìm đến chuyên gia tư vấn để giúp trẻ vượt qua được những lo âu buồn phiền. Trẻ có thể bị ác mộng, tỏ vẻ sợ hãi vì chúng thường bị tác động tinh thần nhiều hơn người lớn. Nếu tình trạng mất ngủ, ác mộng, lo âu, trầm cảm ở trẻ kéo dài hơn một tháng, bạn nên cho trẻ đến chuyên gia tư vấn.

Theo web Trẻ Thơ