"Cô và mẹ ấy 2 mẹ hiền" nhưng đến đây thì cô không còn hiền được nữa. Cô cắt phiếu bé ngoan, mời phụ huynh lên mắng vốn. Lý lẽ của cô là "không giữ được kỷ luật, không ngoan ngoãn vâng lời thì khoan hãy nói đến chuyện học". Vẫn biết con mình là đứa trẻ hiếu động, hay nói, hay thắc mắc, hay "nhiều trò", nhưng thái độ của cô khiến tôi hơi bất ngờ: liệu mọi chuyện có nghiêm trọng đến mức này không? Con tôi là một đứa bé khá "rắc rối" so với những trẻ em bình thường mà tôi đã gặp. Trước tiên, tôi phải thừa nhận điều này: bé có ý kiến riêng trong tất cả mọi việc. Đó là kết quả của những năm đầu đời sống tại Bỉ. Nhắc bé phải rửa tay trước khi ăn, bé lại hỏi: "Tại sao cô cho con ăn mà cô không rửa tay?". Cho bé rửa tay bằng nước, bé cũng hỏi: "Mẹ con bảo phải rửa bằng xà bông mới sạch, sao cô chỉ rửa cho con bằng nước?". Trẻ con không hề biết nói dối. Bé bị cô mắng, bị phạt vì những câu hỏi như vậy, lần nào về cũng kể cho ba mẹ nghe. Chúng tôi an ủi con, vì cô chưa hiểu câu hỏi của con nên cô la con đấy thôi, đồng thời cũng giải thích cặn kẽ lại cho bé hiểu.Chúng tôi chủ trương dạy con tính dạn dĩ, biết khám phá, tìm hiểu, biết hỏi những điều chưa rõ một cách chủ động. Mà sự thật, con tôi là một đứa bé rất sáng trí, rất có óc quan sát và không chấp nhận một cách dễ dàng những sự việc mà người lớn như tôi coi là bình thường. Bé có những câu hỏi khiến tôi vô cùng ngạc nhiên như: "Tại sao thân cây nào cũng tròn hả mẹ", "Tại sao đầu ông sư nào cũng trọc", hoặc những câu hỏi về việc rửa tay... Tôi cho rằng, không phải bé không lễ phép, cố tình bắt bẻ hay làm khó cô, mà đó là cả một quá trình quan sát, tổng hợp, hiểu biết để rồi dẫn đến việc so sánh. Vậy thì hà cớ gì cô nổi giận? Ở thế hệ chúng tôi, ngày trước, đa số trẻ học mẫu giáo chỉ biết ngồi im như thóc, khoanh tay trước bàn, không cựa quậy. Như thế mới là bé ngoan. Thói quen thụ động và vâng lời ấy đã khiến chúng tôi vất vả rất nhiều trong những ngày đầu tiên ra nước ngoài học. Trong các cuộc họp, các lần thảo luận, tôi có cảm giác mình là số 0 khi ngồi im, không có ý kiến, không dám thắc mắc. Bài học kinh nghiệm đó đã khiến vợ chồng tôi quyết tâm thay đổi cách dạy con. Chúng tôi tập cho con thói quen phát biểu, tìm hiểu, hỏi để học và học để hỏi nhiều hơn nữa. Chúng tôi tin những thói quen này có ảnh hưởng rất tốt đến tương lai của bé. Nhưng thái độ thiếu hợp tác của nhà trường làm tôi thất vọng. Có thể tôi sẽ chuyển trường cho con, nhưng tôi cho rằng gia đình, nhà trường, xã hội cần có thái độ tích cực đối với "hiện tượng" chủ động học hỏi này. Đó là ý kiến riêng của tôi. Buộc một đứa trẻ hay nói, ham hỏi, khám phá thế giới xung quanh một cách chủ động theo kiểu đặt câu hỏi phải yên lặng vâng lời thì chẳng những là cực hình cho bé, mà còn làm thui chột sự chủ động và tự tin của những mầm non tương lai. Mẹ Nguyễn Thị Thanh Thuận (Q.7, TP.HCM) |