Trong quá trình phát triển, trẻ nào cũng phạm sai lầm. Cần có thời gian để trẻ nhận ra và điều chỉnh những sai lầm ấy. Vì với trẻ, mọi sự đều mới mẻ, nên thật vô lý và vô ích khi la mắng và đối xử thô bạo với trẻ. Để giúp trẻ sửa lỗi, cha mẹ không nên giải thích dài dòng, chỉ cần dùng những lời ngắn gọn, dễ hiểu. Hiệu quả hơn cả là cho trẻ xem hình, phim, trẻ sẽ tự tìm ra giải thích gần nhất với thực tế. Sai lầm giúp trẻ lớn lên, với điều kiện trẻ được trợ giúp để cảm thấy tự tin. Trẻ cần cảm thấy cha mẹ có sự chờ đợi nơi trẻ: tự rửa mặt, đánh răng, tự thay quần áo, làm bài... Đó là những đòi hỏi cần thiết, với điều kiện chúng thích ứng với tuổi của trẻ. Ngược lại, nếu cha mẹ đặt yêu cầu quá cao và không chấp nhận sai lầm, trẻ sẽ trở thành nạn nhân của chủ nghĩa cầu toàn của người lớn. Trẻ phải đứng đầu lớp, phải giỏi nhạc, chơi thể thao, phá kỷ lục... Rốt cuộc, trẻ sẽ nghĩ rằng, cha mẹ chỉ yêu trẻ nếu trẻ thành công. Cũng cần tránh kiểu so sánh trẻ với bạn bè: "Sao con ngốc thế, xem bạn con kìa!". Cách ấy không giúp ích gì cho trẻ. Hãy đưa trẻ trở lại đúng đường một cách nhẹ nhàng, khoan dung: "Con hãy thử một cách khác". Chấp nhận trẻ có những sai sót, không bi kịch hóa vấn đề, trẻ sẽ khao khát đạt thành công. Nếu cha mẹ chế nhạo trẻ, quát mắng hay đòi hỏi điều không thể, trẻ sẽ dễ buông xuôi trước mọi khó khăn. Nỗi sợ làm hỏng việc khiến trẻ đơ người, như bị tê liệt. Cũng có những trẻ không hài lòng với những câu trả lời có sẵn, mà muốn tự tìm tòi, thử nghiệm, để trí óc hoạt động, không sợ những phán đoán của người lớn. Những trẻ này thường có óc hiếu kỳ. Trong trường hợp trên, cha mẹ đừng do dự giúp trẻ khám phá những nơi chốn mới, những trò chơi mới, giúp trẻ suy nghĩ bằng cách đặt những câu hỏi "có gài bẫy" nhưng thú vị. Vụng về, phạm lỗi, cũng là cách giúp trẻ đi xa hơn. Trẻ sẽ can đảm, nếu biết cha mẹ luôn ở bên cạnh, đồng thời chấp nhận quyền sai sót của mình. Theo web Trẻ Thơ |