Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chế độ ăn cho trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi


Khi trẻ được tròn 6 tháng tuổi (180 ngày), sữa mẹ không đáp ứng được đủ nhu cầu cho sự phát triển của trẻ nên cần phải ăn bổ sung. Ăn bổ sung (ăn sam, ăn dặm) là cho trẻ ăn thêm những thức ăn khác ngoài sữa mẹ.

Thức ăn ngoài sữa mẹ là những thực phẩm cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng như bột, cháo, cơm, rau, hoa quả, sữa, trứng, thịt, cá, tôm... Thời điểm thích hợp cho trẻ bắt đầu ăn bổ sung là từ 6 tháng tuổi, đây là lứa tuổi mà hệ tiêu hoá đã hoàn chỉnh để tiêu hoá được nhiều loại thực phẩm. Việc cho trẻ ăn bổ sung (ăn dặm) sớm hay muộn đều không tốt.

Cho trẻ ăn bổ sung sớm, trẻ sẽ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng vì:
- Bộ máy tiêu hoá của trẻ chưa hoàn chỉnh, chưa tiêu hoá được các thức ăn khác ngoài sữa mẹ, trẻ dễ bị tiêu chảy.
- Thực phẩm thay thế sữa mẹ cung cấp ít chất dinh dưỡng hơn sữa mẹ.
- Trẻ nhận được ít các yếu tố miễn dịch từ sữa mẹ, nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn cao.
- Ít cho bú mẹ, lượng sữa mẹ được bài tiết sẽ ít đi.

Cho trẻ ăn bổ sung muộn đặc biệt sau 9 tháng tuổi, trẻ sẽ bị thiếu ăn (đói) vì lúc này sữa mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của trẻ do đó trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng.

Ăn bổ sung hợp lý
Ăn bổ sung được coi là hợp lý khi trẻ được ăn các loại thức ăn cung cấp đủ năng lượng (có thể ước tính qua số bữa ăn/ngày kết hợp với khối lượng của mỗi bữa) và đủ chất dinh dưỡng (thể hiện bằng sự kết hợp các nhóm thực phẩm bổ sung cho trẻ).

Để đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ, mẹ cần cho trẻ ăn đủ số bữa cùng khối lượng thích hợp của mỗi bữa. Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ và các thành viên khác trong gia đình chỉ được đáp ứng khi khẩu phần ăn có đủ chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

Chất bột, đường (Glucid): Là nguồn cung cấp năng lượng chính giúp cơ thể hoạt động. Chất bột, đường có trong ngũ cốc và các sản phẩm từ ngũ cốc như gạo, ngô, bánh mì, mì sợ...; các loại củ như sắn, khoai, khoai lang, khoai sọ...

Chất đạm (Protein): Giúp cấu tạo nên các cơ quan, bộ phận của cơ thể, là thành phần của các men, các hormon, kích thích sự thèm ăn và ngon miệng. Chất đạm có trong thịt, trứng, thủy hải sản (cá, tôm...); sữa và các sản phẩm từ sữa; các loại hạt thuộc họ đậu (đậu xanh, đậu tương, đậu Hà Lan...).

Chất béo (Lipid): Là nguồn cung cấp năng lượng đậm đặc. Ngoài ra chất béo còn giúp hoà toan và hấp thụ các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, K, E. Chất béo có trong dầu thực vật như dầu lạc, dầu đậu nành, dầu ô-liu...; mỡ động vật như bơ, mỡ lợn, mỡ gà, dầu cá...; các hạt chứa dầu như lạc, vừng, đậu tương...

Vitamin và khoáng chất: Giúp tăng sức đề kháng để bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật, tham gia vào các men chuyển hoá trong cơ thể đồng thời cũng giúp cơ thể phát triển.

Nguồn gốc của vitamin:
- Các loại thịt, trứng, thủy hải sản (cá, tôm).
- Sữa và các sản phẩm từ sữa.
- Các loại quả chín.
- Các loại rau xanh (nhất là rau tươi).
- Một số chất béo: dầu cá, dầu gấc, dầu thực vật, mỡ, bơ...

Để có đủ các chất dinh dưỡng kể trên, tất cả trẻ nhỏ, trẻ em, học sinh, cũng như phụ nữ mang thai, người trưởng thành, người cao tuổi... cần ăn hàng ngày kết hợp 8 nhóm thực phẩm từ 4 nguồn:

Nguồn cung cấp chất bột, đường:
+ Nhóm lương thực: gạo, ngô, khoai, sắn...
+ nhóm hạt các laọi: đậu, đỗ, vừng, lạc...

Nguồn cung cấp chất đạm:


Các loại cá, tôm, cua, ốc, hến là những thực phẩm cung cấp chất đạm cho bé

+ Nhóm sữa và các sản phẩm từ sữa
+ Nhóm thịt các loại, cá, tôm, cua, ốc, hến...
+ Nhóm trứng các loại

Nguồn cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ:
+ Nhóm củ quả có màu vàng, màu da cam, màu đỏ như: cà rốt, bí ngô, gấc... hoặc rau màu xanh thẫm.
+ Nhóm rau quả khác.

Nguồn cung cấp chất béo:
+ Nhóm dầu mỡ.

Cho trẻ ăn bột
Tập cho trẻ ăn từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều trong mấy ngày đầu, sau đó là bột đặc vì bột đặc mới cung cấp đủ năng lượng cho trẻ, tập cho trẻ quen dần với thức ăn mới. Số lượng thức ăn và bữa ăn tăng dần theo tuổi, đảm bảo thức ăn hợp khẩu vị của trẻ. Hãy chế biến bát bột cho trẻ đa dạng từ 4 nguồn, gồm 8 nhóm thực phẩm khác nhau.

Ăn đủ số bữa mỗi ngày
Để đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ, cần cho trẻ ăn đủ số bữa cùng khối lượng thích hợp của mỗi bữa:
- Trẻ 6 - 8 tháng tuổi: Bú mẹ + 2 -3 bữa bột (2/3 bát mỗi bữa) và quả nghiền.
- Trẻ 9 - 11 tháng: Bú mẹ + 3 bữa bột/hoặc cháo (3/4 bát mỗi bữa) + 1 bữa phụ (hoa quả nghiền, sữa chua, nước hoa quả...)
- Trẻ 12 - 23 tháng (từ 1 đến 2 tuổi): Bú mẹ + 3 bữa cháo (1 bát/bữa) + 2 bữa phụ (hoa quả nghiền, sữa chua, nước hoa quả...).

Ngoài chế độ ăn của trẻ, bà mẹ cũng cần chú ý đảm bảo vệ sinh:
+ Dụng cụ nấu bột và cho trẻ ăn (bát, thìa) phải sạch sẽ.
+ Rửa tay của mình và rửa tay, rửa mặt cho trẻ trước và sau khi ăn.
+ Cho ăn ngay sau khi nấu xong.
+ Dùng nước sạch để rửa vú trước và sau mỗi lần cho trẻ bú.
+ Giữ sạch môi trường xung quanh trẻ (nhà ở, đồ chơi, sân chơi hoặc thậm chí cả vườn).

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm
Theo Tin Tức