Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Vợ chồng mâu thuẫn vì chăm con ốm


Cu Bi sắp tròn một tuổi nhưng cả tháng nay không chịu tăng cân, đã thế mỗi lần ốm lại tóp đi một chút. Điều đó khiến tôi rất buồn rầu

Lần này cũng vậy, đầu buổi tối chỉ hơi nóng, vẫn vui vẻ, nghịch ngợm, thế mà nửa đêm cu Bi lại lên cơn sốt. Hốt hoảng, dậy đo nhiệt độ cho con thì đã 39 độ. Vội cho con uống thuốc hạ sốt. Chưa kịp cất cốc nước, quay lại, cu Bi đã nôn ra hết sạch. Không dám cho uống thuốc tiếp, tôi cắt chanh xát lên lòng bàn chân cho con, một cách hạ sốt theo kinh nghiệm dân gian. Vừa làm xong mọi việc vừa cầu cho trời chóng sáng để mang con tới bệnh viện.

Chỉ có điều, suốt từ đầu hôm đến sáng, ông chồng yêu quý của tôi cũng có dậy, song mắt nhắm mắt mở... ngồi đó nhìn, thấy "thương hại", tôi bảo anh đi ngủ. Chưa dứt câu anh đã nằm xuống ngủ ngon lành, như không hề có chuyện gì xảy ra. Bây giờ sáng, cơn sốt đã dịu. Anh cũng đã dậy, tôi bảo anh chở hai mẹ con đến bệnh viện. Anh nói chắc không phải đến nữa đâu, con đỡ rồi mà. Cơn tức giận từ đâu trào lên, tôi không nói gì nữa, đợi anh đi làm, bắt xe ôm đưa con đi. Sau khi thử máu, bác sĩ cho biết rằng thằng bé không sốt siêu vi mà do viêm amidan và kê đơn thuốc.

Cả ngày hôm đó, anh không gọi điện hỏi thăm con lấy một câu. Tám giờ tối mới về, anh vẫn không đả động gì việc con ốm, thay vào đó cứ thao thao bất tuyệt chuyện cơ quan. Thấy tôi thờ ơ, anh bật tivi xem. Tôi ức quá, lấy điều khiển tắt cái phụt. "Con ốm mà cả ngày anh không hỏi một câu sao?". Anh ngạc nhiên: "Sao em nặng nề vậy, con ổn rồi, có sao nữa đâu". "Thì đợi con quỵ xuống anh mới cho là ốm chứ gì?", tôi không chịu được. "Từ hâm hấp nóng, chuyển sang viêm amidan, viêm phổi có thế chỉ trong một đêm, anh có biết không?". "Em lo xa quá. Anh cho rằng không phải con bệnh mà là em có vấn đề. Đã lo vậy sao hàng ngày em không chăm sóc con cẩn thận, để giờ náo động cả lên".

Đến mức này thì tôi không còn chịu đựng được nữa. Con ốm, không xót con, không đỡ đần việc gì cho vợ lại còn đổ vấy trách nhiệm lên đầu vợ. Thế là một trận lôi đình giữa tôi và anh diễn ra trong đêm. Tiếp theo đó là cả tuần liền chiến tranh lạnh.

Có thể con tôi không làm sao cả, nhưng tôi muốn anh cùng chia sẻ, lo lắng chuyện gia đình. Đọc một cuốn sách tâm lý, tôi thấy người ta viết, chị em phụ nữ bao giờ cũng giỏi chịu đựng và biết cách xoay xở hơn đàn ông trong việc chăm con. Người mẹ nào cũng tỏ rõ nỗi lo lắng của mình về con cái, còn người cha thì yên lặng, bị động, dồn hết sức lực vào việc nuôi cả nhà. Bởi vậy, thay vì đòi hỏi chồng phải cùng lo lắng, người vợ nên tìm cơ hội thích hợp để chia sẻ nỗi niềm lo lắng của mình với chồng, như vậy mọi việc có thể sẽ tốt đẹp hơn.

Ngẫm thấy đúng, bới sẽ còn nhiều mâu thuẫn xảy ra nữa. Vì thế, những người vợ cần tỉnh táo nhìn nhận để giải quyết vấn đề. Và một điều tôi cũng muốn nói với những cặp vợ chồng trẻ rằng, trước khi có sự ra đời của thành viên thứ ba, chúng ta nên chuẩn bị về tâm lý, để có cách giải quyết thỏa đáng với bất cứ tình huống nào.

Theo Phụ nữ TPHCM