Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ bị suy dinh dưỡng dễ bị viêm phổi, tiêu chảy


Theo tài liệu Hỏi đáp dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khi trẻ bị suy dinh dưỡng, mọi chức năng bảo vệ cơ thể đều giảm, đặc biệt là trẻ rất dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như viêm phổi và tiêu chảy.

Cần đảm bảo chế độ ăn để giúp trẻ tránh bệnh suy dinh dưỡng.
(Ảnh minh họa Inmagine)

Tài liệu này chứng minh: Khi trẻ bị suy dinh dưỡng, lượng tế bào Lympho T và B lưu hành trong cơ thể giảm nên trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như viêm phổi và tiêu chảy. Tình trạng thiếu vitamin A, C cũng làm giảm chức năng bảo vệ da và niêm mạc ở trẻ. Khi bị bệnh nhiễm khuẩn, trẻ thường kém ăn, hay bị nôn trớ, lượng thức ăn đưa vào cơ thể không đáp ứng đủ nhu cầu làm cho tình trạng suy dinh dưỡng càng trở nên nặng thêm.

Trẻ đẻ ra nặng dưới 2,5kg, nếu đủ ngày, tháng cũng được coi là trẻ suy dinh dưỡng bào thai. Khi trẻ bị suy dinh dưỡng, rất nhiều bộ phận trên cơ thể trẻ bị ảnh hưởng như: Da, cơ, xương làm trẻ chậm phát triển chiều cao, cân nặng. Ngoài ra còn ảnh hưởng tới não. Não của trẻ phát triển rất mạnh trong quý 3 của thời kỳ bào thai và hoàn thiện trong 3 năm đầu. Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng trong giai đoạn này sẽ làm cho não chậm phát triển, trẻ chậm chạp và kém thông minh. Tuy nhiên, nếu trẻ suy dinh dưỡng bào thai sau khi ra đời được nuôi dưỡng đúng cách và đạt cân nặng của trẻ bình thường sau 2- 3 tháng tuổi thì sẽ phát triển bình thường.

Với những trẻ bị suy dinh dưỡng, vệ sinh ăn uống là điều rất quan trọng. Phải tuân thủ theo nguyên tắc ăn chín, uống sôi, thức ăn nấu xong phải cho trẻ ăn ngay, nếu để quá 3 giờ phải đun sôi lại rồi mới cho trẻ ăn. Nên tắm rửa thường xuyên cho trẻ vào mùa hè, giữ ấm và tránh gió lùa vào mùa đông khi tắm, gội, vệ sinh răng miệng sạch sẽ để tránh cho trẻ bị nhiễm lạnh và viêm đường hô hấp.

Trẻ bị suy dinh dưỡng không nhất thiết phải uống vitamin hàng ngày (nếu không có chỉ định của bác sĩ) vì trẻ suy dinh dưỡng thường thiếu nhiều chất dinh dưỡng chứ không phải chỉ do thiếu vitamin. Điều quan trọng là đảm bảo khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ, đáp ứng đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng. Khi trẻ dưới 6 tuổi, sự tăng trưởng và phát triển của trẻ không phụ thuộc vào yếu tố di truyền mà còn chịu sự chi phối rất lớn của chế độ dinh dưỡng. Dinh dưỡng có ảnh hưởng rõ rệt đến sự phát triển của trẻ trong 2 năm đầu và tuổi dậy thì.

Theo Giadinh.net