Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cách học của hai cậu bé giỏi nhất nước Anh


Được coi là những đứa trẻ học giỏi nhất nước Anh, nhưng Wajih và Zohaib không hề "đầu to mắt cận", có thời gian xem TV, chơi điện tử như thường. Chúng được nuôi dạy như thế nào?

Nhiều bậc cha mẹ thường quay phim những bước chân chập chững đầu tiên của con trẻ để lưu giữ. Nhưng với gia đình Usman Ahmed, không gì khiến anh tự hào bằng cảnh quay cậu con trai lớn giải những bài toán đầu tiên ở tuổi lên hai.

Giờ đây, cậu con lớn, Wajih, 11 tuổi, đạt điểm A bậc ở cao nhất của Cuộc thi Toán cao cấp (A-level Further Mathematics) ở Anh. Cậu em trai 9 tuổi là Zohaib, còn đặc biệt hơn, cũng đạt điểm A trong kỳ thi toán tương tự, trở thành người trẻ tuổi nhất đạt kỷ lục này. Giống anh trai, Zohaib có kế hoạch tới trường ĐH vào tuổi 14 và học tiến sĩ ở tuổi 17.

Ở trường, hai cậu bé tham gia tất cả các tiết học. Nhưng vào giờ toán, chúng ngồi nghiên cứu những bài toán cao cấp. "Khi các bạn bè cùng lớp nhìn qua vai cháu và thấy những trang sách về ma trận, lượng giác học... họ rất "choáng", Zohaib cười khúc khích, kể lại.

Không "đầu to mắt cận"
Hai cậu bé nhìn rất bình thường, không đeo kính, đầu cũng không to dị thường. Chúng thậm chí khá thảnh thơi. Trong phòng của hai cậu, bên cạnh sách giáo khoa, còn có một chiếc máy vi tính, một bộ máy chơi game PlayStation và Wii.

Wajih (trái) và em trai Zohaib.

Ông bố, Usman, 43 tuổi, gốc Pakistan, tiến sĩ môn Vật lý, đang làm việc cho Bộ Quốc phòng Anh. Còn bà mẹ, Saadia, 37 tuổi, gốc Abu Dhabi thuộc Tiểu vương quốc Arap thống nhất, ở nhà làm nội trợ.

Trong căn nhà của họ lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười, bọn trẻ mong muốn khi lớn lên làm việc tính toán tiền lương hay bảo hiểm, chứ không phải cầu thủ bóng đá, nhà du hành vũ trụ.

"Chúng tôi cố gắng giúp các con không bị ảo tưởng về mình, không để tài năng khác thường trở thành một điều bất lợi cho chúng", Saadia nói.

Vẫn có thời gian chơi
Gia đình Ahmed không tin rằng chỉ nền giáo dục đắt tiền mới giúp bọn trẻ phát triển tài năng. Wajih và Zohaib vẫn học ở trường địa phương. Vào tháng 9 tới, Wajih chuyển tới một trường phổ thông hỗn hợp, cho nhiều trình độ khác nhau, gần Thornden. Ông bố cho biết sẽ "không bỏ thêm một xu lẻ nào, vì hệ thống giáo dục ở đây rất tốt".

"Không có năng khiếu tự nhiên, bọn trẻ cũng có thể giỏi giang bằng việc học hành có hệ thống và chăm chỉ", ông Usman Ahmed khẳng định.

"Bọn trẻ cần sự hỗ trợ của cha mẹ. Điều đó quan trọng hơn là gửi con tới một trường học đắt đỏ. Tôi thà dành thời gian cho các con, còn hơn là chỉ tiêu tiền cho chúng", Usman nói.

Dưới sự giám sát của bố mẹ, hai cậu học bài ba tiếng mỗi ngày vào buổi tối, 5 tiếng vào thứ 7 và chủ nhật. Chúng làm tất cả bài về nhà giống bạn bè cùng lớp, nhưng làm thêm một số bài tập khó.

Usman khẳng định thời gian biểu của bọn trẻ không có gì bất thường. "Chúng còn thừa thì giờ để chơi điện tử, xem ti vi, nhưng điều khác biệt là có những khoảng thời gian tập trung học tập".

Saadia nói thêm: "Chúng tôi không quá nghiêm khắc, nhưng có những quy tắc và hệ thống. Bọn trẻ có thời gian để chơi game, khoảng một tiếng mỗi ngày. Tất nhiên chúng tôi cũng thận trọng với các bộ phim và chương trình TV mà chúng xem. Chúng chủ yếu xem phim tài liệu và game show. Chúng tôi khuyến khích các con xem bản tin lúc 22 h, trước khi đi ngủ, vì muốn chúng hiểu biết về thế giới".

Về nguyên nhân khiến hai đứa trẻ chịu học, ông bố Usman cho biết, trước hết, giải toán không chỉ là bài tập, mà là trò chơi yêu thích của bọn trẻ. Thứ hai, thay vì thỉnh thoảng cho tiền lẻ, các cậu bé được "trả lương" theo số giờ học. Khoảng 25 xu cho một giờ, nhưng tổng số tiền lên tới 10 - 15 bảng một tháng.

"Nhiều người khuyên tôi nên để bọn trẻ ra ngoài khám phá thế giới theo cách của chúng và quyết định chúng muốn làm gì, nhưng câu trả lời của tôi là không", Usman dứt khoát. "Nếu cha mẹ không ảnh hưởng đến chúng, chúng sẽ chịu ảnh hưởng từ bạn bè, hoặc những gì chúng xem trên truyền hình, trên báo chí. Chúng tôi sẽ khuyên bảo chúng một cách chân thành và hướng dẫn chúng theo hướng tốt nhất cho cuộc sống".

Theo Báo Đất Việt