Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

“Bệnh” của trẻ em thời hiện đại


Cuộc sống hiện đại mang đến nhiều tiện nghi phục vụ cho đời sống con người, nhưng bên cạnh đó, còn kéo theo nhiều hệ lụy khác, nếu con người lạm dụng những tiện nghi đó. Khi sức đề kháng của trẻ vẫn còn rất kém thì việc các bậc phụ huynh đáp ứng tất cả mọi yêu cầu của con, từ việc mua cho chúng nhiều đồ chơi điện tử cho đến việc “nhồi” cho chúng những loại thực phẩm chế biến sẵn quá giàu dinh dưỡng… đã vô tình dẫn đến những tổn hại về thể chất lẫn tinh thần cho chính đứa trẻ. Thương con như thế bằng mười hại con… Mới vài tuổi, nhưng bé T.H.L – nhà ở phường Đa kao, Quận 1 (TPHCM) đã được cha mẹ trang bị hẳn một phòng chơi với đủ loại đồ chơi điện tử. Thấy cháu có vẻ thích thú với những loại âm thanh gầm rú của những động cơ từ các loại đồ chơi, nên mỗi lần cháu khóc hay lười ăn là người giúp việc liền cho cháu “chơi thả ga”. Chị H. - mẹ cháu kể, hai vợ chồng chị mỗi người điều hành một doanh nghiệp, chuyện chăm con phó thác cho bà nội và người làm. Ngày L. còn nhỏ, thấy con nói ngọng, nói đớt,… và thường phớt lờ lời của cha mẹ, chị cứ nghĩ trẻ con đứa nào chẳng thế. Đến khi L. chuẩn bị vào lớp 1, gia đình thuê hai gia sư thì cả hai cô đều phản ánh là cháu rất ít tập trung. Gần đây, khi đưa cháu đi kiểm tra sức khoẻ, gia đình mới biết cháu bị điếc nhẹ do tiếp xúc với nhiều loại tiếng ồn dẫn đến rối loạn thính giác, phải đeo máy nghe. Còn bé L.K.A., 12 tuổi, nhà ở Q.7 được cha mẹ đưa đến BV tâm thần TPHCM vì những biểu hiện rối loạn tâm lý. Đầu năm 2005, sợ con ở nhà buồn nên cha mẹ đã trang bị cho K.A. một dàn máy vi tính hiện đại. Đi học về là K.A. lại ngồi vào máy chơi game online quên ăn quên ngủ… học lực kém dần, em trở nên ít nói, hay cáu gắt, thậm chí hành xử rất thô bạo, bây giờ ngoài chuyện cận 4 độ, K.A. còn bị trầm cảm nặng dẫn đến loạn thần. Đó là hai trong rất nhiều trường hợp trẻ bị những căn bệnh do chính cuộc sống hiện đại mang lại, phải nhập viện trong thời gian gần đây. Nghiên cứu trên các học sinh đầu cấp (lớp 1,6,10) tại 29 trường của TP.HCM, cho thấy: Tỉ lệ cận thị là 17,2%; viễn thị là 8,1% và các tật khúc xạ nói chung là 25,3%. Trẻ ở nội thành có nguy cơ cận thị cao hơn hẳn ngoại thành. Điều này cũng phù hợp với cảnh báo lâu nay về hậu quả của chương trình học có tính cạnh tranh cao của trẻ ở nội thành. Nguy cơ mắc bệnh mãn tính từ chứng thừa cân, béo phì Suốt thời tiểu học rồi đến cấp 2, cậu bé L.T.H. (nhà ở P.13, Q.10, TP.HCM) được mẹ gửi học bán trú. Những bữa ăn giàu dinh dưỡng ở nhà trường áp dụng chung cho mọi đứa trẻ đã khiến cậu - vốn có cơ địa mập mạp - trở nên béo phì. Mới 13 tuổi, cao 1,6m mà H. đã nặng trên 70kg. Buổi chiều đi học về, vội vã đến lớp học thêm, H. thường xuyên được ăn Hamburger hoặc bánh Pizza vì mẹ chưa chuẩn bị kịp bữa tối. Tối đi học về, quá 9h, cậu lại được mẹ chào đón bằng một bữa ăn thịnh soạn. Đã vậy, mẹ còn không cho H. đi xe đạp vì sợ con mệt. Về nhà, bữa ăn được bưng bê vào tận phòng, H. vừa ăn vừa xem tivi. Nghiên cứu của thạc sĩ – bác sĩ Trần Thị Loan - Trưởng phòng Dinh dưỡng cộng đồng thuộc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM – năm 1999 – 2004 cho thấy trẻ dưới 5 tuổi có tỉ lệ thừa cân tăng từ 2,1% lên 6%, gấp ba lần chỉ trong 5 năm; trẻ đầu cấp I (lớp 1 và 2) có tỷ lệ thừa cân từ 3,9% lên 6%, tăng gấp rưỡi trong vòng một năm. Tình trạng thừa cân ở một số đối tượng học sinh đã ngang bằng hoặc vượt số trẻ suy dinh dưỡng: lứa tuổi nhà trẻ - mẫu giáo có 7,8% thừa cân, 5,6% suy dinh dưỡng; học sinh cấp I có 9,4% thừa cân, 9,1% suy dinh dưỡng. Lứa tuổi dễ bị thừa cân béo phì nhất và khó chữa trị nhất là lứa tuổi đầu cấp I (học nhiều, ngồi nhiều, sân chơi ở trường và ở nhà đều chật hẹp) hoặc đầu cấp II – giai đoạn dậy thì, có nhu cầu lớn về dinh dưỡng, đặc biệt là với trẻ nữ (dễ tích tụ mỡ ở bụng nhiều hơn nam). BS Hồng Loan cho biết, trong nhóm học sinh cấp I bì thừa cân béo phì ở Q.1 có 3% trẻ bị rối loạn đường huyết lúc đói (tiền đề của bệnh tiểu đường), gần 16% trẻ bị cao huyết áp, 22% trẻ có cholesterol toàn phần cao (nguy cơ về tim mạch), 56% trẻ có triglyceride cao (khả năng gây đột quỵ), 40% trẻ kháng insulin trong máu (một trong những nguyên nhân gây nên bệnh tiểu đường). Một nghiên cứu của BS Nguyễn Thị Hoa – BV Nhi Đồng 1 – trên số trẻ bị béo phì đến chữa trị tại khoa Dinh dưỡng của bệnh viện cũng cho số liệu tương tự: có 2,7% trẻ bị cao huyết áp, hơn 39% trẻ bị gan nhiễm mỡ, 74,3% trẻ bị rối loạn mỡ trong máu và 70% trẻ có các biến chứng lâm sàng: đau đầu, thở mệt, ngủ ngáy, đau gối và đau lưng. Với nhóm trẻ bị béo phì có tiền căn suy dinh dưỡng, những căn bệnh mãn tính kể trên càng đến sớm hơn và gây biến chứng nặng hơn so với trẻ béo phì không bị suy dinh dưỡng trước đó. Vì thế, khuyến cáo của BS Loan là khi điều trị cho con hết bị suy dinh dưỡng, các bậc phụ huynh không nên nôn nóng “nhồi nhét” quá mức các loại thức ăn bổ dưỡng để con mau chóng mập mạp! Theo Phụ nữ TP.HCM