Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hẹp bao quy đầu ở trẻ trai: Bi kịch nếu không phát hiện sớm


Khi con nhỏ, ít bậc cha mẹ để ý đến căn bệnh này. Lớn hơn ý thức được bệnh, nhiều thiếu niên lại xấu hổ không dám đi phẫu thuật. Để khi đến tuổi thanh niên và lập gia đình, không ít người đã không có được hạnh phúc trọn vẹn làm chồng, làm cha.

Mới lập gia đình được vài tháng, nhưng gần đây anh N.Đ.T, 28 tuổi ở Hà Tây, thấy khó đi tiểu, bao quy đầu (BQĐ) sưng đỏ, mọng nước và ngày càng đau đớn. Đến BV khám, được chẩn đoán bị ung thư dương vật do hẹp BQĐ bẩm sinh. Anh T. phải cắt bỏ một phần dương vật, vét hạch bẹn và tiến hành xạ trị để tránh di căn cho bệnh nhân.

Đây không phải là ca bệnh hiếm gặp ở Bệnh viện (BV) K. TS Nguyễn Quang Thái, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tổng hợp cho hay: "70- 80% số bệnh nhân ung thư dương vật đành phải cắt bỏ "của quý" này, trong đó khá nhiều ca đã là thanh niên. Và sau khi đã cắt bỏ, khả năng làm chồng, làm cha là rất khó khăn".

 

Theo thống kê tại Bệnh viện K, Hà Nội có tới 40% số trẻ ở độ tuổi mẫu giáo bị hẹp BQĐ. Còn theo GS Nguyễn Thu Nhạn, Chủ tịch Hội Nhi khoa VN cho biết, 90% số trẻ trai mắc căn bệnh này. GS Nhạn còn dẫn chứng là bà có 3 cháu trai thì tất cả đều mắc bệnh. Một cháu đã được cắt bao quy đầu từ lúc 2 tuổi, đến nay 15 tuổi đã bình thường.

Hẹp BQĐ là tình trạng lớp da ở phần đầu của dương vật không tụt được xuống để lộ phần quy đầu dương vật. Bình thường, ở trẻ nhỏ "bao da" vẫn bọc ngoài quy đầu mà không cản trở việc đi tiểu nhưng đến 1-2 tuổi quy đầu không lộ ra là hẹp BQĐ.

Nhiều nước trên thế giới cũng đã nhìn nhận đây là vấn đề nghiêm túc, nên ở người Do Thái lúc trẻ được 8 ngày tuổi sẽ được làm lễ "cắt bì". Còn hiện nay, nhiều nước Châu Âu đã khuyến cáo nên thực hiện cắt bao quy đầu ngay trong vòng 1 tháng sau sinh, vì lúc đó cháu bé còn chưa có ý thức về điều này.

Còn ở VN, hầu như các bậc phụ huynh không ý thức chuyện của các bé trai này. Tỉ lệ mắc bệnh tới 9/10 cháu, tuỳ mức độ chít hẹp khác nhau, nhưng nhiều bà mẹ phụ huynh không biết, đồng thời cũng không biết cách vệ sinh sạch sẽ, tránh cho các cháu bị viêm nhiễm, dẫn đến viêm đường tiết niệu.

GS Nhạn cho hay: "Khi không được vệ sinh sạch sẽ, sự tích tụ các "bựa" trong nước tiểu và dịch nhầy của đường tiết niệu đọng ở nếp da quy đầu. Đây chính là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nhanh chóng. Lâu dần thành viêm đường tiết niệu, ảnh hưởng tới thận, gây khó khăn trong quan hệ tình dục sau này, thậm chí dẫn tới ung thư dương vật. Thậm chí, khi đã hiểu về bệnh, người bệnh cũng không muốn đi khám để phẫu thuật, vì ... xấu hổ. Vậy nên, 90% số ca ung thư dương vật hiện nay bắt nguồn từ hẹp bao quy đầu.

Theo: Lao Động