Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phải làm gì khi trẻ bị biếng ăn


Khái niệm biếng ăn có thể được hiểu như sau: Đó là khi trẻ không chịu ăn đủ số lượng thức ăn cần thiết cho nhu cầu sống, hoạt động và tăng trưởng của trẻ. Theo khái niệm trên thì hai trường hợp sau đây không thể gọi là biếng ăn: Mẹ ép trẻ ăn phần ăn ngoài nhu cầu cần thiết hàng ngày, hoặc trẻ không được cung cấp đủ lượng thức ăn theo nhu cầu.

Biếng ăn có thể gặp ở mọi đối tượng trẻ em ở lứa tuổi khác nhau. Hai nhóm nguyên nhân chính của biếng ăn là nguyên nhân thực thể và nguyên nhân tâm lý. Nguyên nhân thực thể là các nguyên nhân bệnh lý tại đường tiêu hóa và ngoài đường tiêu hóa như đau răng, đẹn miệng, viêm họng, amygdale, viêm dạ dày, sởi, viêm não màng não, lao, sốt rét... Thậm chí trẻ chỉ cần sốt do cảm cúm thông thường cũng đã giảm ăn uống. Nguyên nhân tâm lý xảy ra khi trẻ sợ bữa ăn hoặc thức ăn vì một lý do nào đó. Thường nhất là do người nuôi dưỡng không hiểu tâm lý, không tôn trọng những thói quen và ý thích cá nhân, áp đăt việc ăn uống hàng ngày cho trẻ.

Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến khẩu vị của trẻ là:
- Mùi vị của thức ăn : trẻ thường thích vị đơn giản, như ăn cơm với nước tương, nước canh, trong khi mẹ lại thích bắt trẻ ăn cơm trộn hỗn hợp thịt, cá...
- Độ đặc của thức ăn : trẻ nhỏ ăn quá đặc hoặc trẻ lớn ăn quá lỏng cũng làm thay đổi vị giác của trẻ
- Loại và thành phần thức ăn : trẻ nhỏ ăn thức ăn mềm, trẻ lớn ăn thức ăn cứng. Những bữa ăn quá nhiều thịt cá thường làm trẻ sợ bữa ăn.
- Cách chế biến thức ăn nếu không hợp lý : như xay mịn thức ăn, trộn hỗn hợp...

Môi trường của bữa ăn cũng có vai trò quan trọng trong biếng ăn ở trẻ. Trẻ em thường hiếu động, ham chơi, ham học hỏi, ham tìm hiểu trong khi việc ăn uống lại chiếm quá nhiều thời gian của trẻ nên thường trẻ tỏ ra không thích ngồi ăn bằng chạy nhảy, vui chơi. Các bà mẹ có thể lợi dụng điều này để biến bữa ăn của trẻ thành những cuộc vui nho nhỏ giúp bé cảm thấy thích thú với bữa ăn. Các thái độ không đúng có thể làm bé sợ hãi hay không thích bữa ăn là thái độ căng thẳng, la mắng, đánh đập, qúa khuôn khổ, gò ép, ép trẻ ăn bằng mọi cách kể cả đè trẻ ra nhét thức ăn vào miệng. Thái độ nuông chiều quá mức tạo cho trẻ thói quen vòi vĩnh cũng thường gây những tâm lý ăn uống không tốt cho trẻ.

Như vậy, cần phải làm gì khi trẻ bị biếng ăn?
1. Chế độ ăn phải phù hợp với lứa tuổi :
- Trẻ dưới 4 tháng: sữa mẹ
- Trẻ 4 - 6 tháng: Tập ăn dặm từ bột loãng đến bột sệt + sữa mẹ
- Trẻ 6 -9 tháng: Ăn bột từ sệt đến đặc đủ 4 nhóm + sữa mẹ
- Trẻ 9 -24 tháng: Cháo đăc đủ 4 nhóm, bột đặc + Sữa mẹ
- Trẻ trên 24 tháng: Cơm nát và cơm thường.

2. Chế biến thức ăn phù hợp với độ tuổi, tránh xay mịn thức ăn dù trẻ bất kỳ độ tuổi nào.

3. Ăn cân đối và vừa đủ: Trung bình, trẻ cần mỗi bữa một chén chất bột, 30g thịt cá, 5-10g chất béo, 30g rau và 30g trái cây. Mỗi ngày ít nhất 500ml sữa. Tránh cho ăn thịt cá quá nhiều, ăm ngọt trước bữa ăn chính...

4. Ăn làm nhiều bữa trong ngày: Trẻ cần 3 bữa chính và ít nhất 2 bữa phụ. Tránh sự gò ép thái quá. Nên biến bữa ăn của bé thành một cuộc vui làm hài lòng cả bé và mẹ. Khi trẻ bệnh, nên khuyến khích trẻ ăn chứ không nên ép buộc.

5. Khám và điều trị triệt để các bệnh lý cho trẻ.

Theo chametainang.net