Một số cách mới giúp trẻ mầm non hiểu về tiền Nhận thức của trẻ mầm non về tiền phát triển chậm. Khi được 3-4 tuổi, chúng thường xuyên cho rằng tiền được trao tay và liên quan đến thức ăn hay các loại hàng hóa khác, và là cái gì đấy mà bạn có thể mang trong ví, mang trong túi; nhưng chúng có thể sẽ không hiểu ý nghĩa giá trị đầy đủ của tiền và việc sử dụng tiền. Nếu bạn muốn trang bị cho con mình những hiểu biết nền tảng về tiền bạc, dưới đây là một số lời khuyên hữu ích, cũng như các ý tưởng hay để bạn giúp bé. Để hiểu về tiền, trẻ phải có thời gian để tìm hiểu. Mặc dù trẻ có thể được nghe nói đến ở trường học, nhưng chắc chắn sẽ hữu ích hơn nếu cha mẹ có thể bắt đầu giáo dục trẻ từ bé khi chúng tới tuổi đi học. Có nhiều cách để bạn có thể giới thiệu với bé khái niệm về tiền bạc và có rất nhiều trò chơi thú vị bạn có thể chơi cùng bé để dạy bé học về vấn đề này: Chơi với tiền đồ chơi (tiền giả) Tiền giả nhằm giúp trẻ có thể tiếp xúc rộng rãi và dễ dàng với tiền, bao gồm tiền đồ chơi giống như những mẩu chất dẻo cùng hình dạng, kích cỡ tiền thật, hoặc những mẩu giấy có hình tiền thu nhỏ, cắt vuông vức. Đây là 1 cách hay để giới thiệu sinh động cho trẻ nhiều loại tiền khác nhau (mặc dù bạn luôn luôn có thể sử dụng một bộ sưu tập tiền xu thật sự nếu bạn có nhiều tiền lẻ), cho phép bạn chơi các trò chơi về tiền bạc với bé. Một trò chơi từ lâu đã được trẻ ưa thích chính là chơi trò đến các cửa hàng mua sắm: Trẻ có thể đóng vai người bán hàng hay người mua hàng. Người bán hàng nói về giá cả các thứ đồ trong cửa hàng, trả lại tiền lẻ thừa cho khách; khách hàng chọn hàng, thử xem thứ hàng, và trả đủ tiền cho chủ cửa hàng. Trong các giai đoạn đầu, trẻ chỉ trao tay vài xu, nhưng khi trẻ lớn hơn, cùng với kỹ năng đóng vai nâng cao và kiến thức toán đã được cải thiện, bạn có thể chơi với trẻ đa dạng hơn, đưa vào nhiều tình huống phong phú hơn (vd: phải trả lại bao nhiêu tiền cho chính xác...) Dẫn bé cùng đi mua sắm tại các cửa hàng Việc đưa bé cùng đi mua sắm và tham gia các lần bạn thanh toán hàng - tiền tại cửa hàng thật sự là một kinh nghiệm quý báu với bé, bé sẽ được tận mắt chứng kiến tiền được sử dụng mua bán như thế nào. Điều này có tác dụng tốt không kém gì khi để bé chơi trò chơi với tiền đồ chơi ở nhà hay tại lớp học. Tới các cửa hàng giúp bé hiểu: thức ăn và tất cả các thứ đồ khác trong cửa hàng đều có giá cả. Giá hàng hóa thường được dán ngay bên cạnh thứ đồ đó, giá hàng hóa là giá trị quy ra bằng tiền của món hàng đó. Trẻ học bằng cách chứng kiến, tham gia vào các sự việc xảy ra xung quanh, vì vậy bạn có thể giúp bé tìm thứ hàng bé cần, nói cho bé giá cả của món hàng đó, và lấy tiền đưa cho thủ quỹ khi bạn cùng bé đến quầy thu ngân. Trong những lần dẫn bé theo, bạn đồng thời có thể đưa bé tiền, yêu cầu bé đưa cho người trông giữ xe khi bạn gửi xe vào bãi để xe; hoặc đưa tiền cho người bán hàng khi thanh toán. Khi trẻ lớn hơn, hãy giao cho trẻ trách nhiệm đếm số lượng tiền cần cho gửi xe, cho giá trị hàng hóa bạn và bé đã chọn. Bắt đầu tiết kiệm tiền Để có được một sự hiểu biết đầy đủ về tiền bạc, thật tốt nếu trẻ học được rằng: không phải chỉ cần biết đến việc có tiền và tiêu tiền, mà còn phải biết cách tiết kiệm tiền như thế nào. Một phương pháp hữu ích giúp bé nhận thức được việc tiết kiệm tiền tại nhà là hãy tặng cho bé một con lợn đất, lợn nhựa, hoặc chiếc hộp tiết kiệm; thậm chí nếu bé 5 tuổi trở lên, hãy mở một tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng cho bé. Sách và đọc sách Nếu bạn tự thấy rằng, mình cần có thêm một số kiến thức khoa học để giải thích cho bé hiểu dễ hơn về khái niệm tiền bạc, hãy tìm đến một số sách, hay bách khoa toàn thư cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, các sách này thông thường giới thiệu khá ngắn gọn và lượng thông tin phù hợp cho bé: kiến thức sơ lược về tiền, tầm quan trọng, làm thế nào để làm ra tiền, giá trị của tiền biểu hiện gì... Dẫn bé tới thư viện địa phương, thư viện quốc gia, hay cửa hàng sách thiếu nhi; chọn hoặc mua cho bé những quyển sách khoa học thường thức nhỏ gọn; cùng bé xem tranh, trao đổi nội dung, những tình huống sử dụng tiền trong cuộc sống; qua đó hình thành kiến thức "tiền bạc" phù hợp nhận thức của trẻ mẫu giáo.
|