Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chuẩn bị cho bé vào lớp một!


Giai đoạn 5 - 6 tuổi là một trong những giai đoạn có những sự biến đổi quan trọng trong cuộc đời của trẻ. Ở ngưỡng cửa 6 tuổi này, trẻ sẽ trải qua những thay đổi quan trọng đầu tiên trong cuộc đời: Trẻ sẽ trở thành học sinh Tiểu Học. Đây là mốc rất quan trọng trong cuộc đời một con người.

Ở lứa tuổi này, trẻ bỏ lại những tháng ngày vui chơi, ăn ngủ ở trường Mầm Non để bước vào làm quen với môi trường mới, môi trường học tập nề nếp ở trường Tiểu Học.
Trẻ bắt đầu làm quen với những bộ đồng phục hàng ngày đến trường chứ không còn được mặc theo ý thích như còn học Mẫu giáo.

Trẻ không còn được tự do chạy nhảy, không được tham gia nhiều hoạt động: hát, múa, vẽ, kể chuyện... trong cùng một giờ học... Trẻ phải làm quen với việc ngồi ngay ngắn liên tục trong vài chục phút, làm quen với kỷ luật ở lớp học và rất nhiều điều mới lạ từ môi trường học mới lạ. Từ thầy cô, bạn bè đến lớp học, bàn ghế, dụng cụ học tập. Tất cả đều lạ lẫm.

Khi thay đổi môi trường học tập, chuyển sang một môi trường mới mà yêu cầu học tập đòi hỏi cao hơn, không phải bất cứ trẻ nào cũng có thể tiếp cận, làm quen và thích ứng ngay được với môi trường mới. Có những trẻ cảm thấy bị "sốc" khi thay đổi môi trường mà không có sự chuẩn bị trước cả về mặt tâm lý và kỹ năng. Biểu hiện: trẻ không muốn đi học, trẻ sợ đến trường hoặc trẻ trở nên lầm lì.v.v.v...

Như vậy, làm thế nào để quá trình thay đổi trong giai đoạn này trở thành mốc quan trọng để lại nhiều kỷ niệm và ý nghĩa trong cuộc đời của đứa trẻ, đòi hỏi người lớn phải có sự chuẩn bị cả về tâm lý, kỹ năng và kiến thức cần thiết cho trẻ, để trẻ có thể tự tin và vững vàng khi tiếp xúc với môi trường mới.

Bài 1: Chuẩn bị về tâm lý cho trẻ trước thay đổi về môi trường học tập

Trong cuộc đời của một con người trải qua rất nhiều những giai đoạn thay đổi mà cần phải có sự chuẩn bị để đối mặt với sự thay đổi đó.

Trẻ em cũng sẽ trải qua những giai đoạn thay đổi nhất định mà đòi hỏi phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ để trẻ vượt qua những thay đổi đó.

Trẻ lứa tuổi từ 0-6 tuổi trải qua hai giai đoạn nhất định có ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ: khủng hoảng tuổi lên ba và giai đoạn trẻ chuẩn bị bước vào trường Tiểu Học. Trong cả 2 giai đoạn quan trọng này, đòi hỏi phải có sự can thiệp đúng đắn và sự chuẩn bị chu đáo cho trẻ.

Chuẩn bị tâm lý cho trẻ:
- Để trẻ sẵn sàng tiếp xúc với môi trường mới, chuẩn bị tâm thế tự tin khi trẻ bước vào trường Tiểu Học là một trong những yêu cầu quan trọng giúp trẻ học tập tốt trong môi trường học tập mới.

- Giúp trẻ tiếp cận những đặc điểm của môi trường mới và chuẩn bị tư tưởng để giảm bớt sự bỡ ngỡ, sợ sệt, lạc lõng khi bước vào môi trường mới.

- Giúp trẻ sớm thích nghi và hòa đồng cùng bạn bè, trường lớp mới và những hình thức học tập, sinh hoạt, vui chơi, các mối quan hệ hoàn toàn mới mẻ đối với trẻ.

Chuẩn bị tâm lý cho trẻ bước vào trường tiểu học đầu tiên là giới thiệu cho trẻ về môi trường mới và giúp trẻ làm quen với chúng: Để không bị sốc, bỡ ngỡ, trẻ cần phải biết được: ngôi trường mà chúng sẽ đến không còn giống với trường mầm non nữa. Vậy trong ngôi trường mới đó có những gì? Trẻ phải tham gia vào các hoạt động như thế nào? Trẻ đến trường phải học những gì? Học như thế nào? Đồ dùng học tập của trường Tiểu Học và đặc biệt là đồ dùng học tập của lớp 1: sách, vở, bút, thước....Tất cả những điều đó, trẻ cần phải được giới thiệu qua để khi bước vào môi trường thật trẻ dễ dàng thích nghi và hòa nhập nhanh chóng vào môi trường học tập mới này.

Người lớn hãy nói cho trẻ biết: Sự khác nhau giữa trường Tiểu Học và trường Mầm Non. Giúp cho trẻ nhận ra tầm quan trọng của sự thay đổi từ Mầm Non lên Tiểu Học.

Giới thiệu cho trẻ những điều mới mẻ của trường tiểu học, những hoạt động, sinh hoạt tập thể, trang nghiêm và biết bao hoạt động khám phá mà ở trường Mầm Non không có nhằm tạo cho trẻ hứng thú và mong muốn được đến trường.

Hình thành cho trẻ hứng thú học tập, mong muốn được khám phá môi trường mới. Giúp trẻ ý thức được rằng: ở trường Tiểu Học, trẻ không còn là bé 5 tuổi mà đã trở thành một học sinh tiểu học, biết ý thức về bản thân và ý thức tự giác trong học tập, chuẩn bị trở thành "người lớn", đây cũng là điều mà hầu hết trẻ luôn mong muốn.

Để trẻ vững vàng hơn trước sự thay đổi về môi trường học tập, người lớn cũng cần chú ý hình thành ở trẻ tính tự lập, tự giác và chủ động trong mọi hoạt động cũng như trong sinh hoạt vài trong môi trường học tập mới này, đòi hỏi trẻ phải có tính độc lập và tự giác.

Chuẩn bị tâm thế cho trẻ trước sự thay đổi của môi trường học tập là điều hết sức quan trọng nhằm giúp trẻ sớm thích nghi và hòa đồng với môi trường học tập mới.

Tuy nhiên cũng có lúc người lớn mắc phải sai lầm khi đem trường Tiểu Học ra "hù dọa" trẻ. Điều này tạo cho trẻ tâm lý hoang mang, sợ sệt và ức chế quá trình học tập của trẻ.

Những sai lầm đó thường được biểu hiện khi trẻ mắc lỗi, khi đó trường Tiểu Học và Giáo viên tiểu học được xem như những "ông kẹ" để "hù dọa" trẻ: "Con mà không cố gắng viết bài, chữ xấu thì mai mốt vô lớp một cô giáo sẽ đánh đòn. Con mà không ngoan thì không được vô lớp một. Cứ ngọ ngoạy như vầy làm sao mà vào lớp một học được. Là học sinh tiểu học thì phải ngồi ngay ngắn chứ! Mấy người mà quậy phá không bao giờ được vô lớp một học". Vô tình, từ những gì người lớn nói hình thành trong trẻ trường Tiểu Học là một nơi nào đó thật ghê gớm mà ở đó có những cô giáo hung dữ, ở đó tất cả thật sự ghê gớm và trẻ bắt đầu hoang mang, hoảng sợ.

Vì vậy việc chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước sự thay đổi của môi trường học tập mới và chuẩn bị tâm thế cho trẻ học tập và sinh hoạt tốt ở trường Tiểu Học đòi hỏi người lớn phải có thời gian và không ép buộc hay hù dọa trẻ.

Bên cạnh việc chuẩn bị về tâm lý, để trẻ học tập và sinh hoạt tốt ở trường Tiểu Học, người lớn cần chuẩn bị cho trẻ kiến thức và kỹ năng phù hợp để trẻ sớm thích nghi với môi trường mới.

Trong bài viết sau, mamnon.com sẽ chia sẻ với phụ huynh một vài ý kiến trong việc chuẩn bị về kỹ năng cho trẻ.

Bài 2: Chuẩn bị kỹ năng cho trẻ thích nghi với môi trường học tập và sinh hoạt ở trường tiểu học.

Để bước vào môi trường học tập và sinh hoạt mới mà ở đó đòi hỏi tính độc lập, tự giác và chủ động của đứa trẻ thì việc hình thành những kỹ năng sinh hoạt tối thiểu cho trẻ là việc cần thiết.

Ngoài việc chuẩn bị tâm lý để trẻ sớm thích nghi và hòa đồng với môi trường mới thì việc hình thành các kỹ năng cho trẻ giúp trẻ tự tin tham gia vào các hoạt động ở trường và tham gia một cách chủ động.

Chuyển từ một môi trường mà hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo, ở môi trường này trẻ được vui chơi, được học tập qua các hoạt động vui chơi là chủ yếu. Bên cạnh đó trẻ còn được chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ chu đáo... Qua môi trường mới mà ở đó hoạt động học tập trở thành hoạt động chủ đạo, ngoài ra trẻ không còn được bảo bọc như môi trường mầm non mà đòi hỏi tính tự lập và tự phục vụ của trẻ cao. Vì vậy, để thích nghi được với môi trường học tập này, trẻ cần phải có những kỹ năng nhất định để phục vụ cho bản thân và tham gia quá trình học tập tốt.

1. Kỹ năng lao động và lao động tự phục vụ:
Kỹ năng lao động, sáng tạo chưa được hình thành ở lứa tuổi mẫu giáo nếu như không có sự hướng dẫn của người lớn. Các hành động lao động ở lứa tuổi mẫu giáo hầu hết được thực hiện dưới dạng nhiệm vụ do người lớn đề ra, giao phó cho trẻ. Ngoài các hoạt động lao động tự phục vụ, còn phải tập cho trẻ tham gia vào các hoạt động lao động theo nhóm, tập thể và có trách nhiệm với công việc được giao phó: trực nhật lớp, chăm sóc cây, làm việc ở khu vườn trường, vệ sinh sân trường, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi, chế tạo các đồ dùng đồ chơi bằng giấy, bìa cứng, vải...

Những nhiệm vụ này có ý nghĩa của những nhiệm vụ lao động thực sự đối với trẻ em, chỉ được bắt đầu thực hiện bằng các hành động lao động khi người lớn tổ chức và hướng dẫn hoạt động của trẻ em theo một cách thích hợp.

Việc hình thành kỹ năng lao động và thực hiện các nhiệm vụ lao động cho trẻ gồm:
- Dạy trẻ em những phương thức, kỹ năng làm việc cần thiết.

- Hình thành ở chúng những kỹ năng, kỹ xảo tương ứng với các phương thức lao động (đặc biệt là kỹ năng sử dụng các công cụ và các vật liệu).

- Giải thích tỉ mỉ ý nghĩa của công việc, tác dụng của nó đối với những người khác.

- Giúp trẻ em lập kế hoạch và phối hợp với các hành động.
Chúng ta cần chú ý một điều rằng, chúng ta cần cung cấp và hình thành cho trẻ những kỹ năng lao động cần thiết để trẻ có thể độc lập thực hiện quá trình lao động hay tham gia vào hoạt động lao động của nhóm, đây là yếu tố cần thiết để trẻ dễ dàng hòa nhập với môi trường học tập và sinh hoạt ở các bậc học cao hơn.

Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là làm sao cho những hành động lao động của trẻ em thực sự mang lại những kết quả cao, mà làm sao cho trẻ em hiểu được những hành động này chính là hành động lao động. Chính việc ý thức được các hành động lao động quyết định đặc điểm phát triển tâm lý và chuẩn bị cho trẻ em bước vào môi trường mới, môi trường mà hoạt động học tập và lao động đóng vai trò cốt yếu và hơn hết nữa là chuẩn bị cho trẻ em bước vào cuộc sống tương lai với tư cách là những thành viên có ý thức của xã hội.

2. Kỹ năng học tập:
Với đòi hỏi của chương trình học tiểu học, để trẻ mầm non bước vào lớp một theo kịp chương trình học thì việc chuẩn bị cho trẻ các kỹ năng học tập là cần thiết. Những kỹ năng đầu đời này sẽ trở thành thói quen cho trẻ trong suốt những năm học ở trường tiểu học và phổ thông. Vì vậy cần hình thành cho trẻ những kỹ năng và thói quen học tập tốt ngay từ lứa tuổi mẫu giáo để bé có thể thích nghi với môi trường học tập ở trường tiểu học cũng như tạo thói quen học tập ngay từ nhỏ.

* Tạo thói quen ngồi ngay ngắn, đúng tư thế trên bàn học.
Việc hình thành tư thế ngồi học ngay ngắn cho trẻ phải được bắt đầu ngay từ lứa tuổi mầm non. Tư thế ngồi học của trẻ không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển hình thể, sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến kết quả học tập của trẻ.
Vì vậy, tập cho trẻ ngồi ngay ngắn trên bàn học. Bàn học phải đúng kích thước và phù hợp với chiều cao của trẻ.
Tập cho trẻ ngồi thẳng lưng, vở, sách để ngay ngắn, không cúi đầu quá sát khi đọc hoặc viết, tô màu..v.v...

* Dạy cho trẻ các kỹ năng sử dụng các dụng cụ học tập: sử dụng bút chì, bút màu, cầm bút đúng cách, cách sử dụng thước kẻ, cách để giấy khi viết, vẽ, tô màu.v.v...
Người lớn cũng cần dạy trẻ cách sử dụng, bảo quản, giữ gìn các đồ dùng học tập sạch sẽ, ngăn nắp.

* Tạo cho trẻ thói quen gọn gàng, chỉ lấy những dụng cụ học tập nào cần sử dụng ra khỏi hộp đựng, túi, cặp và cất gọn gàng đúng chỗ sau khi sử dụng xong. Đây cũng là một trong những yêu cầu cần thiết khi trẻ học ở bậc tiểu học.
Ngoài ra, người lớn cũng cần chuẩn bị về mặt kiến thức cho trẻ cần thiết để trẻ làm quen với bậc học tiểu học.

Để theo kịp nề nếp cũng như chương trình học ở trường tiểu học, trẻ phải có những kỹ năng và kiến thức tối thiểu phục vụ cho việc học. Trẻ bước vào lớp một cần có vốn kiến thức về tiếng Việt: thuộc mặt các chữ cái, biết đánh vần những từ đơn giản, thuộc mặt chữ và đếm, thêm, bớt, gộp tách trong phạm vi 10, các kiến thức về mĩ thuật: nhận biết, phân biệt màu sắc, kiến thức về tự nhiên, xã hội.v...

Đó là những kiến thức cơ bản đòi hỏi trẻ phải có để có thể theo kịp chương trình học ở trường tiểu học.
Bên cạnh đó, việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ để đảm bảo sức khỏe, tránh sự căng thẳng cho trẻ cũng là một trong những yếu tố cần thiết và quan trọng để đảm bảo cho trẻ bước vào lớp một với tâm thế vững vàng cả về thể chất và tinh thần.

Quỳnh Giao.mamnon.com