Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Gỡ thế "bí" trong câu hỏi Tại sao của bé


PGS.TS. Nguyễn Công Khanh - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng Giáo dục và Khảo thí, Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ cho chúng ta những lời khuyên cụ thể trong việc trả lời câu hỏi "Tại sao?" của bé.

1. Tại sao bé rất hay hỏi tại sao?
Đặc điểm của bé là rất tò mò. Tò mò là đặc tính chung của loài người, đặc biệt với bé muốn khám phá thế giới, các sự vật xung quanh như tháo mở các bộ phận của đồ chơi, thích các chương trình quảng cáo nhiều màu sắc, hình ảnh và âm thanh.

Trong quá trình khám phá đó bé chưa đủ khả năng để giải thích các hiện tượng, sự vật do đó luôn đặt ra những câu hỏi Tại sao?: Búp bê biết khóc? Ôtô lại chạy? Bóng đèn lại sáng?

2. Hãy lắng nghe câu hỏi của bé
Khi lắng nghe câu hỏi của bé ta sẽ nhận ra rằng ngoài việc hỏi để mong nhận được lời giải đáp, bé còn có nhu câu hỏi để được giao tiếp, đặc biệt bé còn có một mong muốn thể hiện bản thân mình.

Trước khi trả lời bé, chúng ta hãy quan sát và đọc lại câu hỏi của bé phân loại được câu hỏi: bé muốn trả lời, bé muốn được giao tiếp hay bé muốn được khẳng định ta sẽ tìm hướng trả lời cho phù hợp.

3. Đặt câu hỏi ngược cho bé
Đối với những câu hỏi bé muốn được trả lời về các sự vật, hiện tượng, trước khi trả lời chúng ta nên đặt lại câu hỏi ngược Tại sao lại như thế? Đây chính là lúc cha mẹ cho bé thêm cơ hội để tự trả lời và cũng cho mình thời gian để giải đáp.

Với việc đặt câu hỏi ngược sẽ kích thích bé vận dụng những kinh nghiệm thực tế của mình. Nếu bé trả lời chưa đúng hoặc gần đúng, ta có thể khuyến khích bé tiếp tục suy nghĩ, reo cho bé hứng thú tìm hiểu các sự vật hiện tượng.

4. Trả lời và truyền kỹ năng giao tiếp, cảm nhận
Với những câu hỏi để giao tiếp, bé sẽ không quan tâm nhiều tới câu hỏi mà chủ đích là được giao tiếp. Chúng ta hãy tranh thủ giao tiếp với bé, bằng nhiều phương pháp, như nhìn vào mắt bé, quan sát điệu bộ của bé... điều đó giúp cho bé nhạy cảm hơn.

Nhạy cảm là một năng lực đặc biệt của bé, nó là một thành tố giúp cho bé phát triển cả về trí tuệ và cảm xúc. Bé sẽ học được cả cách giao tiếp và khả năng lắng nghe, từ đó có nhiều cách để biểu đạt thông điệp của mình. Bé biết cảm nhận và giao hòa, nhìn nhận thế giới bằng cảm xúc nhiều hơn, khác với người lớn nhìn nhận thế giới bằng kinh nghiệm và bằng mục đích.

5. Giải quyết tình huống cho bé
Trong giao tiếp hãy dạy bé nhận ra những giá trị của sự việc, cũng như các kỹ năng để giải quyết những khó khăn. Như khi bé chơi đồ chơi: bóng, búp bê, chẳng may chui gầm giường. Bé khóc. Có thể do bé sợ mất đồ chơi, có thể bé sợ bóng tối trong gầm giường. Ta không vội lấy đồ chơi cho bé ngay, hay dỗ bé vội mà hãy hỏi lại bé: "Có đáng phải khóc vì đồ chơi rơi vào gầm giường không? Và có cách nào để lấy đồ chơi?..."

Chúng ta hãy cùng bé giải quyết tình huống. Dần dần chúng ta truyền cho bé biết cách quan sát và quan tâm sâu hơn tới sự vật, hiện tượng, có khả năng tự giải quyết các tình huống khó.

Vậy mỗi khi bé đặt câu hỏi tại sao? Chúng ta đừng vội trả lời ngay vì đó là một cơ hội cho chúng ta giao tiếp, truyền thụ kỹ năng với bé. Cha mẹ không nên bỏ qua những cơ hội như vậy, hãy nhìn vào mắt bé, hãy cho bé cơ hội cảm nhận, luyện tập cho bé có sự tự tin, hướng bé vào sự nhận biết sâu hơn. Cũng là cơ hội để cha mẹ nhận biết được con mình hơn, để hiểu bé nghĩ gì, muốn gì và có những điểm yếu nào. Và cũng chính từ đây ta có thể phát hiện năng khiếu của bé và định hướng cụ thể cho tương lai.

Theo aFamily