Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giúp trẻ tự đánh giá bản thân


Trẻ ngay từ lứa tuổi mẫu giáo đã bắt đầu hình thành sự tự ý thức và đánh giá bản thân mình và những người xung quanh. Tuy nhiên, để quá trình tự ý thức và đánh giá bản thân của trẻ phát triển theo hướng tích cực rất cần đến sự quan tâm và hướng dẫn của người lớn.

Ban đầu sự tự ý thức và đánh giá bản thân của trẻ được hình thành phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên ngoài. Có nghĩa là trẻ đánh giá bản thân và người khác phần lớn phụ thuộc vào sự nhận xét và đánh giá của người lớn.

Bé Quỳnh Như (4 tuổi) thường về nói với mẹ về những người bạn trên lớp của mình: con chẳng bao giờ chơi với bạn Gia Hân vì Gia Hân hung dữ, còn bạn Sơn thì lì lợm lắm...Trong lớp con chỉ chơi với bạn Ti Na thôi, vì con và bạn ấy giỏi nhất lớp...

Rất nhiều lời nhận xét về các bạn trên lớp tương tự như vậy, bạn nào hiền lành, bạn nào học giỏi và bạn nào lì lợm, học dốt.

Mẹ Quỳnh Như thật sự ngạc nhiên, qua tìm hiểu một số phụ huynh quen biết, họ cho biết: các bé về nhà cũng hay nhận xét như thế.

Không chỉ nhận xét về bạn mà chúng còn nhận xét cả về giáo viên: cô A giỏi, cô B điệu lắm, còn cô C chảnh... Thậm chí bé còn nhận xét cả về bác hàng xóm...

Những lời nhận xét thật sự làm phụ huynh giật mình và tự hỏi: tại sao bé lại có những lời nhận xét như thế!
Sau quá trình tìm hiểu, chị Tâm mẹ Quỳnh Như mới biết được rằng: bé nhận xét về các bạn do trên lớp cô giáo lớp bé vẫn nhận xét về các bạn như thế, thậm chí bé còn nghe các cô nhận xét về cô A, cô B trên trường và thế là bé cũng nhận xét theo như vậy.

Ban đầu, sự nhận xét đó chỉ là do học theo và bắt chước khi bé nghe được các cuộc nói chuyện của người lớn. Tuy nhiên, nếu bé cứ tiếp xúc với các cách nhận xét không mấy tế nhị dần dần sẽ hình thành trong bé cái nhìn không khách quan về người khác.

Sự nhận xét và đánh giá của người lớn có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành tính tự ý thức và đánh giá bản thân mình cũng như đánh giá người khác của trẻ.

1. Sự tự ý thức về bản thân:
Trẻ tự ý thức về bản thân sai lệch biểu hiện ở chỗ: trẻ tự ti hoặc quá kiêu ngạo phần lớn bị ảnh hưởng bởi chính sự nhận xét đánh giá của người lớn.

Đứa trẻ trở nên tự ti, nhút nhát và có suy nghĩ tiêu cực về bản thân và những người xung quanh khi thường xuyên nhận được những lời chê trách và nhận xét không tế nhị của người lớn:
- Bạn này lì nhất lớp mình.
- Giờ học có đoàn kiểm tra, cô chỉ cho các bạn giỏi và ngoan học (như vậy, những đứa trẻ bị loại ra sẽ tự hiểu là mình không giỏi).
- Mấy người quậy phá ngồi qua một góc bên này cho cô
- Con chẳng biết làm gì cả.
- So sánh trẻ này với trẻ khác....

Rất nhiều những lời nhận xét dạng như vậy sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển tâm lý và nhân cách trẻ, đặc biệt là quá trình hình thành sự tự nhận thức về bản thân mình. Trẻ luôn nghĩ mình thật vô dụng, mình là thành phần cá biệt, trẻ không dám làm, không dám nói lên suy nghĩ vì sợ sai, đôi khi trẻ có những hành động tiêu cực từ chính sự tự ý thức về bản thân không đúng này.

Ngược lại với thái độ tự ti, bướng bỉnh là thái độ kiêu ngạo của trẻ:
- Khi trẻ nhận được quá nhiều lời khen ngợi và luôn đưa trẻ ra nêu gương, cho trẻ quản lớp khi cô bận việc với nhiệm vụ: con coi các bạn cho cô...

Những lời khen ngợi và nhận xét thái quá từ người lớn cũng làm cho trẻ cảm thấy rằng mình là người quan trọng, mình giỏi hơn tất cả các bạn và kèm theo đó là thái độ cao ngạo, coi thường bạn bè và những đứa trẻ cùng trang lứa xung quanh.

Những đứa trẻ này thường chỉ chơi với những bạn cùng được khen ngợi như vậy và không bao giờ thèm chơi với những bạn mà chúng cho là không giỏi bằng chúng. Thậm chí chúng sẵn sàng đưa ra những lời nhận xét không tốt về người khác.

2. Giúp trẻ tự ý thức về bản thân và đánh giá một cách khách quan:
Để giúp trẻ ý thức về bản thân và đánh giá một cách khách quan về bản thân cũng như đánh giá người khác cần phải có sự hướng dẫn của người lớn.

Chúng ta thấy rằng: một trong những mặt phát triển của động cơ hành vi trong lứa tuổi mẫu giáo là sự nâng cao tính ý thức của chúng. Đứa trẻ bắt đầu hiểu càng rõ hơn những động lực và những hậu quả của những hành vi của mình. Điều đó trở nên có thể được là do ở trẻ mẫu giáo đã phát triển sự tự ý thức, tức là trẻ hiểu được nó là người như thế nào, có những phẩm chất nào, những người xung quanh đối xử với nó như thế nào và cái gì tạo ra thái độ đó.

Để biết cách đánh giá bản thân mình một cách đúng đắn, đầu tiên đứa trẻ phải học cách đánh giá người khác.
Sự đánh giá riêng của đứa trẻ về người khác về những cử chỉ và những phẩm chất của họ phụ thuộc vào hai yếu tố:

* Sự đánh giá của trẻ phụ thuộc vào thái độ, tình cảm của trẻ đối với người khác:
Chuẩn thái độ, hành vi mà trẻ có được từ chính các câu chuyện kể, đặc biệt là truyện cổ tích: trẻ phân biệt tốt xấu qua chính hành động, hành vi của các nhân vật cổ tích qua đó hình thành khái niệm về hành vi tốt xấu của đứa trẻ, bên cạnh đó là tình cảm chủ quan của đứa trẻ: yêu thích ai đó thì người đó tốt, không yêu thích thì người đó xấu.

* Sự đánh giá của đứa trẻ phụ thuộc vào sự đánh giá của người lớn:
" Mẹ tớ bảo tớ không nên chơi với bạn ấy, vì bạn ấy không tốt, bạn ấy hay đánh tớ"
" Mẹ tớ bảo cô A dữ lắm"

Chính những câu chuyện cổ tích và sự đánh giá của người lớn cung cấp cho trẻ những chuẩn mực quy tắc hành vi để đánh giá.

Đứa trẻ càng lĩnh hội được những chuẩn mực và những quy tắc hành vi thì chúng càng trở thành những thước đo để đứa trẻ sử dụng trong việc đánh giá người khác và tự ý thức về bản thân mình.

Vì vậy, người lớn cần giúp hình cho trẻ chuẩn mực và quy tắc hành vi đánh giá một cách khách quan nhất. Giúp trẻ phân biệt hành vi tốt, xấu, nhận ra được cái đúng, sai trong mối quan hệ hàng ngày. Từ đó giúp trẻ không chỉ biết nhìn nhận các hành vi một các đúng đắn mà còn biết nhận ra cái sai để sửa đổi.

Bên cạnh đó, người lớn cũng cần làm gương cho trẻ trong việc sử dụng lời nói, hành động để đánh giá người khác một cách tích cực, khách quan và tế nhị.

Trúc Giang mamnon.com