Tăng cường quản lý công tác vệ sinh phòng bệnh phòng dịch trong mùa nắng.
Tăng cường quản lý công tác Kính gửi: - Trưởng phòng Giáo dục các Quận, Huyện Trong tình hình thời tiết cuả thành phố đang lúc vào mùa nắng nóng, nhiệt độ cao của môi trường sống là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và siêu vi phát triển mạnh; các đường lây truyền do từ người bệnh không được cách ly kịp thời, qua đồ dùng, thức ăn, chân tay bẩn, nguồn nước sinh hoạt, các vật trung gian bệnh (ruồi, gián, chuột...), ... đã khiến nhiều bệnh như: tiêu chảy cấp, tả, lỵ, thương hàn...hoặc cúm , sởi, Rubellla, tay chân miệng, thủy đậu, quai bị, ...dễ bùng phát và có khả năng lây lan nhanh thành dịch ở khu vực trường học, nơi có mật độ học sinh cao, Sở Giáo dục & đào tạo-Tp yêu cầu từng đơn vị trường, lớp thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh để phòng bệnh, phòng dịch tốt cho học sinh như sau: 1. Hàng ngày thực hiện chế độ vệ sinh bề mặt môi trường bằng cách quét, lau, cọ, rửa... phòng sinh hoạt, hành lang, phòng ăn, phòng vệ sinh, cầu thang, sân trường, vườn trường, cổng trường, tưới cây, xịt nước lá cây ...; các đồ dùng (bàn ghế, đồ chơi , dụng cụ học tập...) để loại bỏ bụi, đất, chất hữu cơ, mầm bệnh. Tiến hành khử trùng theo hướng dẫn của y tế địa phương. Lưu ý: - Các đơn vị liên hệ với y tế địa phương để được hỗ trợ Chloramin B và hướng dẫn cách sử dụng để phục vụ công tác vệ sinh, khử trùng. Trang bị phòng hộ cá nhân khi làm công việc khử trùng: găng tay, khẩu trang, kính, tạp dề, ủng... 2. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng tổng vệ sinh như: · Sân trường, hành lang....chà, rửa, không để bám rêu, nấm mốc; khơi thông cống rãnh, máng xối; mé nhánh cây, làm cỏ, quét lá... · Nhóm, lớp, bếp, kho, phòng chức năng, phòng vệ sinh ... được lau chùi, quét bụi, mạng nhện tường, trần, sàn nhà, cửa... · Các đồ dùng phục vụ sinh họat, phục vụ ăn uống, đồ chơi, bàn ghế, các thiết bị điện: đèn, quạt, thùng rác...được kiểm tra bảo trì và vệ sinh sạch sẽ, thay nước bình hoa, trầu bà... Đảm bảo môi trường thoáng, sáng, khô ráo, sạch, Không có nơi nào ẩm thấp, tối, có nước tù đọng, thiếu ánh sáng, tồn đọng rác, có mùi hôi. 3. Phối hợp với đội vệ sinh phòng dịch của địa phương định kỳ phun thuốc diệt ruồi, muỗi, gián, mối, chuột. Tuyệt đối không có gia súc, gia cầm trong nhà trường, lưu ý đề phòng chó cắn, bệnh chó dại. 4. Đảm bảo có đủ các điều kiện cho học sinh có cơ hội thực hiện các thói quen giữ vệ sinh cá nhân thường xuyên như: rửa tay trong bồn rửa có xà bông và nước sạch, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, đánh răng sau khi ăn...; tham gia vệ sinh trường lớp, có ý thức bảo vệ môi trường, biết hành động tự bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. 5. Tự kiểm tra, thực hiện tốt việc tổ chức ăn của trẻ tại trường. Tuân thủ nghiêm các quy trình, quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm 6. Tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh thói quen rửa tay, luôn giữ bàn tay sạch; biết cách làm sạch, nhà cửa, đồ đạc hoặc cách khử trùng, nhất là khi trong nhà có người bệnh để phòng; biết cách chăm sóc, cách ly người bệnh để tránh lây lan. 7. Các đơn vị cần tích cực tự kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh, tình hình bệnh tật của trẻ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh. Khi phát hiện trường hợp bị bệnh có thể lây nhiễm thành dịch, phải cho trẻ nghỉ học để cách ly theo qui định và thông báo khẩn cho Phòng giáo dục, y tế dự phòng địa phương để phối hợp, tiến hành các biện pháp khoanh vùng, vệ sinh, khử trùng môi trường không để dịch lan rộng. 8. Hưởng ứng tích cực Chiến dịch "Tổng vệ sinh diệt mầm bệnh hàng tuần" từ 1/3 đến 31/3/2009: mỗi đơn vị có kế hoạch hoạt động và giám sát cụ thể. Đề nghị Phòng Giáo dục và Ban Giám Hiệu các đơn vị chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chế độ vệ sinh để công tác phòng bệnh phòng dịch có hiệu quả.
|