Bé mẫu giáo học toán. ( phần 1) Toán học là một môn học tương đối khô khan đối với tất cả các bậc học. Đặc biệt ở bậc học mẫu giáo, việc hình thành các biểu tượng toán ban đầu cho trẻ không hề đơn giản. Vì vậy, các nhà sư phạm mầm non đã nghiên cứu các phương pháp hình thành biểu tượng toán ban đầu cho trẻ thông qua các hoạt động khác nhằm kích thích sự hứng thú khám phá của trẻ. Mamnon.com giới thiệu với quý phụ huynh và giáo viên sử dụng một số hoạt động trong trường mầm non để hình thành biểu tượng toán ban đầu cho trẻ. Chương I: Sử dụng hoạt động tạo hình để hình thành biểu tượng toán ban đầu cho trẻ mẫu giáo. Khi nói đến hoạt động tạo hình, chúng ta thường liên tưởng đến các hoạt động mang tính chất nghệ thuật: vẽ, nặn, tô màu, xé dán... để tạo ra các sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao. Tuy nhiên, nếu để ý chúng ta sẽ thấy rằng: Trong quá trình thực hiện hành động tạo hình cũng là lúc trẻ thực hiện hành động nhận thức các yếu tố toán học qua các hành động bên ngoài: quan sát, vẽ, so sánh, đối chiếu..v.v... Bên cạnh đó, các hành động tạo hình là các hành động phản ánh sự vật hiện tượng có chứa đựng các yếu tố toán học. Sự phát triển các hành động tạo hình dạng này có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển năng lực vận dụng kiến thức của trẻ vào hoạt động thực tiễn. (Phụ huynh cũng có thể tham khảo thêm nhiều dạng bài tập qua sách: học toán qua hoạt động tạo hình của tác giả Trương Xuân Huệ) Hình thành các biểu tượng về số lượng cho trẻ mẫu giáo chính là việc hình thành cho trẻ kiến thức, kỹ năng về các chữ số, số lượng tương ứng với chữ số, các kỹ năng đếm, so sánh.... Hoạt động tạo hình có vai trò như thế nào trong việc hình thành biểu tượng về số lượng. Để so sánh số lượng hai tập hợp, theo cách truyền thống: chúng ta có thể cho trẻ đếm tập hợp thứ nhất, rồi sau đó đếm tập hợp thứ 2. Sau đó so sánh, cách này tương đối khó đối với trẻ. Chúng ta cũng có thể cho trẻ xếp hai tập hợp song xong nhau, một phần tử này tương ứng với một phần tử của tập hợp kia sau đó so sánh, với phương pháp này trẻ không cần phải đếm cũng biết được tập hợp nào nhiều hơn. Ngoài cách sắp xếp và đếm, chúng ta cũng có thể cho trẻ tham gia hoạt động tạo hình, qua hoạt động tạo hình, trẻ nhận ra được mối quan hệ về số lượng của hai tập hợp. 1. Con hãy tô màu tranh bên trái. Tô màu các hình trong ô bên phải giống hệt như các hình trong ô bên trái: Đầu tiên bé sẽ tô màu ô bên trái, sau đó tô màu ô bên phải giống y hệt ô bên trái và chính trong quá trình trẻ tô màu: hành động quan sát, đối chiếu, so sánh sẽ giúp trẻ nhận biết được ô bên phải có số lượng nhiều hơn ô bên trái. Đây là dạng bài tập tương đối dễ thực hiện đối với phụ huynh và giáo viên. Chỉ cần một tờ giấy A4 với các hình vẽ sẵn, phụ huynh có thể cùng học và cùng chơi với con, giúp bé học đếm, học so sánh một cách thích thú chứ không phải là các bài toán khô khăn. 2. dạng bài tập thứ 2: Có bao nhiêu ngôi sao? Dạng bài tập thứ 3: Có bao nhiêu hình tam giác màu xanh, có bao nhiêu hình tam giác màu vàng? Dạng bài tập thứ 4: Hãy tô màu nhụy hoa màu vàng và cánh hoa màu đỏ. Bông hoa có bao nhiêu cánh, có mấy nhụy? Dạng bài tập thứ 5: vẽ thêm 5 hình nữa để có hình giống như mẫu. Có rất nhiều dạng bài tập nhằm hình thành các biểu tượng về số lượng cho trẻ mẫu giáo thông qua các hoạt động tạo hình từ đơn giản đến phức tạp giúp phụ huynh cùng chơi và cùng học với bé. Khi quỹ thời gian của phụ huynh hạn hẹp, có những lúc tranh thủ làm việc buổi tối nhưng bé thì không lúc nào chịu ngồi yên. Cũng có lúc phụ huynh muốn được yên tĩnh nhưng bé lại la hét, ồn ào và muốn bạn cùng chơi chung. Vậy thì phụ huynh cũng có thể cùng học với bé và tạo không gian cho bé ngồi học với các bài tập toán qua hoạt động tạo hình. Học toán qua hoạt động tạo hình không chỉ hình thành cho trẻ kiến thức về biểu tượng toán ban đầu mà còn hình thành cho trẻ thói quen và tư thế ngồi học ngay ngắn, rèn luyện khả năng cầm bút để chuẩn bị cho trẻ trong những năm học sau. Trúc Giang mamnon.com |