Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Rác và “bài giảng” của cô bé 6 tuổi


Năm 1987, khi còn công tác ở Nhà Thiếu nhi quận 11 (TP.HCM), tôi có dịp dự khánh thành một nhà văn hóa ở quận 1. Sau buổi lễ, toàn bộ quan khách, cả người VN và người nước ngoài, được ban tổ chức chiêu đãi một bữa tiệc nhẹ với bánh kẹo, trái cây.

Hôm ấy rất nhiều khách là người Việt đã vứt túi đựng bánh, vỏ kẹo ngay xuống sàn của căn phòng, vốn cũng là nơi trưng bày nhiều hình ảnh giới thiệu văn hóa của VN và các nước bạn bè.

Không nhớ rõ mình đã vứt vỏ kẹo đi đâu, song thật sự tôi đứng chết lặng khi chứng kiến một cô bé người nước ngoài chừng sáu tuổi bê chiếc đĩa đi khắp phòng để nhặt những vỏ kẹo do người lớn vứt xuống. Cảm giác của tôi khi ấy có lẽ không còn từ nào mô tả chính xác hơn là xấu hổ.

Không biết những người khác như thế nào, riêng tôi - một người lớn được coi là có văn hóa, đang dự khánh thành một công trình văn hóa - bị trẻ con "dạy" cho một bài học rất đau nhưng phải nói là rất tâm phục khẩu phục. "Bài giảng" của cô bé tôi thuộc ngay lập tức và tự hứa với lòng không vứt rác bừa bãi nữa. Mặc dù, thú thật là lúc đó tôi chưa đủ dũng cảm để làm một "cộng sự" cùng nhặt vỏ kẹo với cô bé.

Rác sau ngày Valentine
Sáng 15-2, sau ngày Valentine, nhiều điểm bán hoa tràn ngập rác của những người bán hoa, hầu hết là sinh viên, bỏ lại. Tại Công viên Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình và công viên Gia Định, Q.Phú Nhuận (TP.HCM), công nhân vệ sinh và cả những người buôn bán bánh trái, nước uống... phải vất vả dọn dẹp.
NGUYỄN CÔNG THÀNH

Sau này, trong hơn 10 năm công tác tại công viên Đầm Sen, tôi đã cố gắng vận động anh em đồng nghiệp giữ thói quen vứt rác đúng nơi đúng chỗ. Lâu ngày đã hình thành một phản xạ tự nhiên, hễ thấy rác vương vãi là tôi nhặt bỏ vào thùng. Nếu đi lỡ đường thì giữ rác trên tay, trường hợp không tìm được thùng rác thì cho vào túi chứ không vứt bậy.

Năm 2007, trong một lần đi công tác ở Buôn Ma Thuột, tôi ghé vào quán bên đường mua chai nước uống và tìm xung quanh chẳng thấy thùng rác đâu. Hỏi chủ quán, anh này chỉ chiếc thùng rác bên trong nhà và buột miệng: "Dân Sài Gòn văn minh ghê ha!". Tuy ngượng nghịu vì mình "khác người" và chợt nghĩ nếu người Sài Gòn ai cũng được khen như mình thì phải tự hào lắm.

Vợ chồng tôi có một bé gái, nay đã sáu tuổi - trạc tuổi cô bé người nước ngoài ngày ấy. Từ nhỏ tôi đã dạy cho cháu biết bỏ rác vào thùng và rất mừng là điều đó đã trở thành thói quen của cháu. Những lần đi chơi công viên hay dạo phố cháu đều cố tìm cho được thùng rác công cộng, nếu tìm không thấy thì bỏ rác vào túi ba mẹ chứ quyết không vứt bừa bãi.

Kể chuyện này với Tuổi Trẻ, tôi mong muốn chia sẻ kinh nghiệm của chính mình với những bạn đọc khác đang làm cha làm mẹ, rằng hãy làm gương và tập cho con em nếp sống văn minh từ chuyện nhỏ nhất là biết vứt rác đúng chỗ.

NGUYỄN HOÀNG THẠCH (Q.11, TP.HCM)
Theo Tuổi Trẻ