Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ em: truyện cổ tích hay khoa học viễn tưởng


Chúng tôi đọc một bài báo của nhà văn Vũ Hạnh trên Internet và đăng trên website mầm non. Các bạn cùng đọc và thảo luận các quan điểm của mình về vần đề này.

Nhiều người bảo rằng trẻ em ngày nay không còn mặn mà với chuyện cổ tích, có thật vậy chăng? Quả chưa thấy ai chịu khó làm một điều tra cơ bản về vấn đề này. Và nói trẻ em, tưởng nên xác định ở lứa tuổi nào, cũng như cổ tích cũng cần phân loại là chuyện trong nước hay ngoài nước, thuộc phần chuyện kể, chuyện viết hay tranh hoạt họa.

Dầu sao chúng ta cũng cảm nhận được qua con, cháu mình - có một bộ phận trẻ em không ưa thích chuyện cổ tích, bất kể là cổ tích nào. Điều này thật cũng dễ hiểu. Với sự phổ biến khoa học, kỹ thuật thường xuyên, rộng khắp như ngày nay, trẻ em có sự cảm nhận nhạy bén sẽ không dễ dàng tiếp thu các câu chuyện cổ giải quyết bằng sự can thiệp thần thánh giản đơn, cùng những tình tiết thô sơ không theo một biện luận nào thuyết phục.

Hiện nay, đa số truyện tranh trong trường mầm non là truyện cổ tích

Tôi xin được kể sau đây một câu chuyện nhỏ để minh chứng. Cách đây vài tháng, ông ngoại của cháu tôi là tiến sĩ Phùng Trung Ngân từ Mỹ về thăm có hôm loay hoay cả buổi vẫn không khởi động được máy vi tính thì thằng cháu - mới bảy tuổi, và trong một thoáng đã giúp cho ông tiến sĩ tiếp tục công việc của mình. Cháu không phải là thần đồng, cũng không hề được dự lớp tu sửa máy móc, bởi lẽ tuổi đó vừa rời mẫu giáo để vào tiểu học, chỉ chạy nhảy trong nhà là chính, và sự bén nhạy đối với khoa học kỹ thuật là một hiện tượng phổ biến ở trong giới trẻ, kể cả rất trẻ ngày nay. Làm sao mà bắt những em cỡ đó ngồi nghe bà cụ lẩm nhẩm những câu: “trái thị rớt bị bà già...” để chờ thị rụng vào ngay bọc mình, thay vì leo lên hái quả? Có lẽ, với lớp trẻ này, các truyện khoa học viễn tưởng sẽ là phù hợp.

Đã vậy, nhiều người viết lại các chuyện cổ tích còn quá nệ cổ, không chịu đầu tư thêm phần tim óc để cho câu chuyện có sức hấp dẫn, qua các chi tiết, qua một văn phong, qua nhiều hình ảnh gợi cảm. Chúng ta không thể làm cho cổ tích phải bị cải biến nội dung, nhưng sự đổi mới trong cách thể hiện là điều cần thiết. Cứ chép nguyên si, đơn giản, trần trụi như thời vẫn còn ở lỗ, ăn lông thì sự mất khách là điều tất yếu. Đồng thời chúng ta có thể nghĩ đến một loại cổ tích... hiện đại, để nói cho được khá nhiều vấn đề cập nhật, dưới cái vỏ bọc huyễn tưởng, cho hợp khẩu vị trẻ em.

Một khác biệt lớn của ngày hôm nay với thuở xa xưa là các bạn trẻ đã có nhiều món giải trí, và sự giải trí đòi hỏi một sự đổi dạng thay hình liên tục để tránh nhàm chán. Bỗng nhớ câu nói của Lê Văn Trương, nhà văn quen thuộc một thời: “Chúng ta vĩnh viễn là những đứa trẻ luôn chạy theo đồ chơi mới để tìm một chút sướng trong cái khổ và tìm hạnh phúc trong đau thương”. Câu này, xin được giữ lấy khúc trên, để gửi về các bạn trẻ - bởi vì đúng là bạn trẻ luôn phải có đồ chơi mới, dầu đó là chuyện cổ tích. Còn về khúc dưới, xin được miễn bàn, vì nó dành cho người lớn.

Nhà văn Vũ Hạnh(TN)

Thảo luận tại đây